Facebook gặp bê bối - Cơ hội vàng cho các mạng xã hội khác?
Sau nhiều năm thu thập thông tin người dùng một cách bí mật và tạo điều kiện cho bên thứ ba sử dụng trái phép những dữ liệu này, Facebook cuối cùng đã bị phát hiện và đang phải gánh chịu scandal lớn nhất từ trước tới nay.
Từ Công ty Cambridge Analytica, Facebook bị phát hiện thu thập dữ liệu của hơn 70 triệu người dùng |
Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm CEO của Facebook đã xác nhận sẽ ra điều trần trước quốc hội Mỹ vào ngày 11/4 tới đây. Và chắc chắn các nhà lập pháp sẽ đặt vấn đề làm thế nào Facebook có thể khôi phục sự tin tưởng của công chúng và liệu hãng công nghệ này có chấp nhận nhượng bộ bằng các biện pháp điều chỉnh mới hay không? Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh, những câu hỏi mà công chúng thực sự quan tâm lại hoàn toàn khác.
Khi mà cuộc sông của chúng ta giờ đây đã phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các mạng xã hội, thay vì chấp nhận sự độc quyền vốn có của Facebook thì những gì chúng ta cần nhất bây giờ là một nền tảng truyền thông xã hội mới, với những tính năng hiện đại nhưng phải đủ an toàn để bảo vệ dữ liệu người dùng. Và nếu không có sự cải tổ về lãnh đạo và mô hình hoạt động, Facebook sẽ không bao giờ đạt được kì vọng đó.
C.E.O Mark Zuckerberg, tại Hội nghị Nhà phát triển hàng năm của Công ty F8 năm 2017 tại San Jose, Calif. |
Mỗi doanh nghiệp đều có ADN (bản chất) của họ, sự thay đổi của một công ty là rất hiếm hoi, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo cũ vẫn đang nắm quyền. Trong trường hợp của Facebook, vấn đề nằm ở trung tâm điều hành và mô hình hoạt động của nó. Ngay từ đầu, mục tiêu được ưu tiên trước nhất của Facebook là tối đa hoá việc thu thập dữ liệu và thu hút sự chú ý của con người ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ bản là kết nối và bắt kịp phần còn lại của thế giới.
Nhà báo nổi tiếng Walter Lippmann từng phát biểu vào năm 1959 về các chương trình truyền hình "miễn phí" và giờ đây nó có vẻ đúng với các phương tiện truyền thông xã hội "miễn phí" đại ý rằng: “Những thứ bạn sử dụng đấy thật sự là một sinh vật sống, nó có thể là một người hầu tận tụy nhưng cũng có thể là con buôn thứ thiệt có thể bán đứng bạn bất cứ lúc nào”.
Trên thực tế, Facebook tuyên bố với cả thế giới mục tiêu cao cả của nó là tìm cách "đưa chúng ta lại gần nhau hơn" và "xây dựng một cộng đồng toàn cầu." Đó thực sự là mục đích cao quý mà truyền thông xã hội có thể thực hiện. Nhưng, nếu đó là mục tiêu thực sự của Facebook thì chúng tôi sẽ không ở đây!
Như nhiều ứng dụng khác, để tăng doanh thu, Facebook phải liên kết với các doanh nghiệp để bán quảng cáo bằng cách thu thập dữ liệu người dùng. Vậy hãy thử nghĩ xem, để một đối thủ được coi là đầy tiềm năng cạnh tranh với Facebook thì sẽ cần những gì?
Chỉ cần xây dựng một nền tảng liên kết với bạn bè, cho phép đăng các ý tưởng, hình ảnh và ý kiến thôi ư? Vấn đề không phải là ở công nghệ đâu! Hãy nhìn của các đối thủ khác đã bị Facebook thâu tóm như Instagram và Foursquare bạn sẽ hiểu ra sự lớn mạnh của mạng xã hội với hơn 2,2 tỷ người dùng là như thế nào.
Nhưng người xưa có câu “thời thế tạo anh hùng”, nếu Snapchat có thể thu hút các người dùng trẻ tuổi từ Facebook, Lyft có thể tranh giành thị phần sau những lùm xùm của Uber thì có thể xem đây là thời cơ ngàn vàng để các ứng dụng công nghệ đối thủ của Facebook trỗi dậy.
Không thể phủ nhận rằng, thất bại hay cạnh tranh sẽ tạo ra áp lực để các công ty thay đổi và cố gắng theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng nếu chúng ta ưu ái Facebook, cách ly nó khỏi môi trường cạnh tranh và tạo điều kiện để Facebook trục lợi trên việc mua bán thông tin cá nhân của chúng ta thì đó là một sai lầm mà chính chúng ta sẽ phải trả giá.