Đường sắt trên cao Hà Nội "ngốn" 2000 tỷ đồng mỗi km
Đường sắt trên cao Hà Nội "ngốn" 2000 tỷ đồng mỗi km
Ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) – đại diện Chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông cho biết, dự án với chiều dài trên 13 km, có tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng (tương đương 553 triệu USD). Trong đó nguồn vốn vay của Trung Quốc 419 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.
Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội đang có mức đầu tư cao nhất, khoảng 2000 tỷ đồng/km. |
Với tổng nguồn vốn đầu tư như vậy, mỗi km đường sắt trên cao dự án này có kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Lục cho biết, mức kinh phí đầu tư cho dự án này hiện đang thấp nhất trong tổng số tám dự án đường sắt trên cao ở thủ đô. Tuyến số ba (Nhổn – Ga Hà Nội) đang có mức đầu tư cao nhất, lên đến 2.000 tỷ đồng mỗi km. Cụ thể tuyến số ba có chiều dài 12,5 km, tổng kinh phí cho dự án này khoảng một tỷ Euro.
Tuy nhiên tổng mức đầu tư của các dự án đường sắt trên cao sẽ còn phải điều chỉnh, vì liên quan đến việc gia tăng giá đền bù giải phóng mặt bằng, trượt giá…
Về tiến độ thi công, ban đầu dự án đặt mục tiêu đến 30/6/2015 sẽ đưa vào sử dụng, nhưng sau sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, công trình sẽ rút ngắn xuống hai tháng, đi vào hoạt động từ 4/2015. Phía chủ đầu tư đã báo cáo tiến độ này lên Bộ GTVT. Đại diện phía chủ đầu tư cho biết, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông nằm trong quy hoạch trước đây của thành phố và không xảy ra xung đột về quy hoạch. Riêng khu vực ga Cát Linh có gắn với trung tâm thương mại Cát Linh, mặc dù không xảy ra xung đột, nhưng thành phố vẫn có sự điều chỉnh cho thông thoáng hơn.
Một điểm vướng nhất hiện nay vẫn nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch công tác giải phóng mặt bằng đường dẫn vào Depot (ga phụ) phải hoàn thành trong tháng 6/2012, nhưng đang bị chậm, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8/2012.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13,05 km với 12 nhà ga, từ Cát Linh đến bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông. Đây là tuyến đường sắt đôi, khổ 1435 mm, tốc độ tối đa 80 km/giờ, thời gian chạy hết 23,63 phút mỗi lượt, lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người mỗi giờ, tương đương hơn một triệu người mỗi ngày.
Nguyễn Dũng