Đường mòn Hồ Chí Minh ngày ấy, bây giờ
Tây Nguyên đang thay đổi từng ngày
Sau 41 năm thống nhất đất nước, đường Hồ Chí Minh đi qua Tây Nguyên (nay là Quốc lộ 14) hoàn thành cải tạo tháng 4/2015 đã trở thành “đại lộ” nối Tây Nguyên với TP.HCM và các tỉnh phía Nam; mở ra cửa ngõ thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho toàn vùng Tây Nguyên. Trên một chuyến xe, phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam được cụ Nhan Thị Hồng, 82 tuổi, quê gốc Tiền Giang tâm sự: “Năm 1977, tôi lên Đắk Lắk tìm chồng. Khi đi, người thân ghi địa chỉ nơi chồng tui đang làm vào tờ giấy. Tuy nhiên, sau 2 ngày 1 đêm đi xe đò tôi mới lên được bến xe Đắk Lắk, giấy tờ bị rơi mất, đi lại quá vất vả. Phải mất thêm 3 ngày nữa tìm kiếm tôi mới tìm được chồng. Sợ cảnh đường xá khi ấy, tôi ở lại Tây Nguyên lập nghiệp với chồng, không dám về quê nữa. Mới đây, mấy đứa con tôi đưa tôi về quê ăn giỗ. Không ngờ, bây giờ đường đẹp, đi xe giường nằm chỉ mất một đêm từ Buôn Ma Thuột đã về tới Tiền Giang rồi. Về quê, gặp lại người thân, tôi không khỏi rớt nước mắt hạnh phúc. Cứ nghĩ, đường xá xa xôi cách trở như trước, chắc chẳng bao giờ về thăm lại được quê hương nữa”.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đang là động lực phát triển kinh tế Tây Nguyên. |
Từ khi Quốc lộ 14 được cải tạo, nâng cấp, đã giúp người dân Tây Nguyên không chỉ thoát nghèo, mà còn làm giàu, sắm xe sang trọng. Ông Nguyễn Văn Bình, phường Hoa Lư, TP.Pleiku (Gia Lai), người mới “tậu” một chiếc Hyundai 7 chỗ, chở đoàn công tác của chúng tôi chạy khắp các tỉnh Tây Nguyên, chia sẻ: “Tôi mua chiếc xe gần 1,5 tỉ đồng chở khách du lịch. Cách đây 15 năm, tôi đã mua ô tô tải để chở hàng. Năm 2010, muốn tậu một con xe 4 chỗ để mỗi khi có điều kiện cho vợ con đi chơi, nhưng than ôi đường xấu, xót xe lắm. Năm lần, bảy lượt bàn lui bàn tới, cuối cùng cũng chỉ vì đường quá xấu, sợ hỏng xe, tiếc của nên vợ tôi nhất quyết không cho mua. Đầu năm 2015, tôi đưa vợ đi ăn cưới tại Bình Phước, khi Quốc lộ 14 chuẩn bị hoàn tất sửa chữa. Vợ chồng tôi thấy đường quá đẹp, vậy là cả gia đình tôi quyết định về mua ô tô vừa chở khách du lịch, khi nghỉ thì phục vụ nhu cầu của gia đình”.
Chia sẻ thêm về tác động từ khi Quốc lộ 14 được cải tạo, ông Lê Đình Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Hyundai Hoàng Việt (tại TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết: Sau khi đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sửa chữa được thông tuyến, người dân đến mua xe ô tô rất nhiều. Không chỉ những người giàu, quan chức, hay doanh nhân, mà có cả những nông dân cũng đến mua xe. Năm 2015, doanh thu Công ty Hoàng Việt tăng tới 40%, trong đó, ô tô du lịch và xe tải chở hàng (loại 2,5 tấn và 5 tấn) bán chạy nhất. Riêng dòng xe du lịch, ô tô từ 4 đến 7 chỗ có giá từ 500 triệu đến 800 triệu đồng được nhiều người ưa chuộng và lựa mua nhiều.
“Việc mua một chiếc ô tô với người dân giờ đây không hề khó. Những hộ gia đình có nhiều rẫy đã trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu…chỉ cần san nhượng lại 1ha rẫy là đã có từ 300 đến 600 triệu đồng. Với số tiền đó, nhiều người có thể mua được một xe ô tô mới toanh. Trước đây, đường xấu, người dân không dám mua xe vì chi phí hao mòn lớn và đi lại cũng không dễ dàng. Nhưng nay đường đẹp, việc đi lại từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn hay các tỉnh duyên hải đã rút ngắn xuống quá nửa, nên nhiều người không ngần ngại sắm xe riêng”, ông Hiền cho biết thêm.
Tây Nguyên đã không còn gian khó
Trước đây, khi nói tới những địa bàn có kinh tế chậm phát triển, người ta nghĩ ngay tới “3 Tây” gồm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, những năm gần đây, từ khi hạ tầng giao thông được đầu tư, không chỉ Quốc lộ 14 chạy xuyên Tây Nguyên, các Quốc lộ 25 (nối Tuy Hòa với Gia Lai). Quốc lộ 26 (nối Ninh Hòa, Khánh Hòa lên Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Quốc lộ 27. Quốc lộ 28 và Quốc lộ 29 đã tạo lên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh cho Tây Nguyên tăng tốc. Từ Tây Nguyên – nóc nhà của Đông Dương, việc thông thương hàng hóa xuống Sài Gòn, và các tỉnh Đông Nam Bộ đã rút ngắn thời gian chỉ còn một nửa so với trước. Trong khi hàng hóa từ Tây Nguyên xuống các cảng Quy Nhơn, Nha Trang cũng đã giảm tới 2/3 thời gian, giúp cho cao nguyên không còn bị chia cắt như trước. Chính vì vậy, hàng loạt dự án công nghiệp, nông nghiệp được doanh nghiệp đổ dồn về đây.
Đơn cử, dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, tại Măng Đen (Kon Tum), có quy mô đàn bò ban đầu là 35.700 con bò sinh sản (gồm bò cái sinh sản và bò đực để lai tạo giống). Sau vài năm tăng trưởng, nay số lượng bò tại đây đã là 111.880 con, gồm bò sinh sản và bò thịt. Với quy trình chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa vào chăn nuôi, dự án này đang trở thành điểm sáng, đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, các dự án nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai tại Gia Lai (nuôi bò thịt và bò sữa với số lượng 236.000 con), với kinh phí đầu tư ban đầu là 6.300 tỷ đồng cũng đang phát triển khá tốt. Từ đây, bò thịt và sữa tươi của doanh nghiệp này có thể dễ dàng theo Quốc lộ 14 xuất sang Campuchia, Thái Lan qua các cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), Mộc Bài (Tây Ninh) hoặc ngược sang Lào qua cửa Khẩu Bờ Y.
Ngoài nuôi bò, các dự án cây công nghiệp cũng là thế mạnh của Tây Nguyên. Bênh cạnh cây cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, là những cây truyền thống, giờ đây Tây Nguyên có thêm các giống cây công nghiệp mới như cây màu, cây mắc ca... Song song với phát triển nông nghiệp (trồng cây công nghiệp và chăn nuôi), các tỉnh Tây Nguyên cũng đang tích cực thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp, trong đó tập trung vào các dự án công nghiệp chế biến và công nghiệp CNTT. Bên cạnh đó, một thế mạnh khác của Tây Nguyên đang có hướng đi bền vững chính là du lịch. Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, bộ mặt kinh tế Tây Nguyên phát triển bền vững, các dự án công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch đầu tư vào Tây Nguyên ngày càng nhiều. Năm 2015, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức, đã có 13 doanh nghiệp ký kết thực hiện 13 dự án với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỉ đồng vào khu vực, đây là số vốn đầu tư vào Tây Nguyên trong một hội nghị lớn nhất từ trước tới nay.
Ngoài ra, đã có 8 ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng đầu tư vốn với 17 doanh nghiệp thuộc 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỉ đồng để tập trung sản xuất các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn Tây Nguyên. Do không có đường sắt, nên ngoài hệ thống đường bộ, Tây Nguyên cũng rất chú trọng đầu tư ngành hàng không, trong đó 3 cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai) đang trở thành động lực để Tây Nguyên cất cánh. Nói tới Tây Nguyên, giờ đây, một số khu vực vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, thời gian khó đã qua, Tây Nguyên đang vươn lên trở thành khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xứng đáng với địa thế vị chiến lược vốn có của mình.
Quốc lộ 14 dài 1001 km, là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau, nối Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Điểm đầu tuyến (km 0) là cầu Đa Krông, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, cũng là nơi giao cắt với quốc lộ 9. Điểm cuối tuyến (km 1001 + 000) là nơi giao cắt với quốc lộ 13 tại thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đây là quốc lộ dài thứ 2 của Việt Nam, sau quốc lộ 1A. Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên dài 553km, đây cũng chính là đường Hồ Chí Minh chạy qua Tây Nguyên.