"Đừng xây dựng thành phố theo tư duy của ông nông dân"
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín báo cáo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 - Ảnh Duy Nguyên |
Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, dự báo đến năm 2025, dân số tại TP.HCM vào khoảng 10 triệu người và 2,5 triệu người tạm cư, vãng lai. Theo đó, quy hoạch đô thị của thành phố nhằm phục vụ cho số dân 12,5 triệu người này. Nhưng đại biểu Trần Minh Thiện lại có ý kiến khác: “Thử nghĩ, nếu đến năm 2025, dân số không phải là 12,5 triệu mà tăng lên đến 15-20 triệu người thì có phải giả thuyết của đồ án đang sai, dự báo không sát với thực tế. Con số dự báo cần phải xem lại bởi nếu mật độ dân số tăng thì phải tăng thêm diện tích đất xây dựng”.
Đại biểu này còn cho rằng, quy hoạch thành phố theo hai đồ án trên chưa thấy rõ việc sử dụng, khai thác không gian ngầm ở thành phố trong tương lai.
Các đại biểu đều đồng tình, không nên ôm đồm quá nhiều việc trong đồ án mà phải xác định đâu là mũi nhọn tập trung quy hoạch. Đại biểu Huỳnh Công Hùng hoài nghi: “Liệu TP.HCM có đủ nguồn lực để quy hoạch hết theo đồ án? Xác định 4 hướng phát triển nhưng hướng mũi nhọn là đâu? Quy hoạch hết một lượt thì sẽ không có đủ vốn để đầu tư. Cần đầu tư tập trung, tránh dàn trải để đạt hiệu quả”.
Đại biểu Nguyễn Quý Hòa thẳng thắn nhận định: “Quy hoạch này chỉ mang tính ước lệ. Tính khả thi chưa cao. Cần bàn luôn về vốn và thời gian thực hiện quy hoạch. Nếu không, quy hoạch lại không theo kịp tốc độ phát triển của thành phố. Cũng cần phải thực hiện quy hoạch tập trung, có trọng điểm”.
Trước một quy hoạch tổng thể đồ sộ, các đại biểu lo ngại sẽ thiếu trầm trọng nguồn vốn thực hiện đầy đủ các quy hoạch. Ngoài việc đề xuất quy hoạch tập trung, các đại biểu cũng cho rằng cần thiết kêu gọi vốn và nhân lực đầu tư từ nước ngoài vào quy hoạch thành phố trong thời gian tới.
Thiếu vốn trầm trọng cho các dự án quy hoạch thành phố đến năm 2025 - Ảnh IT |
Theo đại biểu Lâm Thiếu Quân: “Theo đồ án quy hoạch, chúng ta muốn rất nhiều, trong khi nguồn lực chưa có. Phải xác định rõ, hằng năm chi bao nhiêu tiền, nguồn từ đâu. Ở Băngkok, Thái Lan, doanh thu từ mỗi tuyến tàu điện ngầm chỉ đủ trả lãi cho ngân hàng. Trong khi đó, thành phố lại quy hoạch đến 6-7 tuyến. Lỗ ai chịu? Nguồn vốn ở đâu?”.
GDP ước tính đến năm 2025 của TP.HCM là 5.000 USD/người. Nhưng chỉ là ước tính, bởi nếu có khủng hoảng thì con số này khó đoán được. Như vậy sẽ không có nguồn vốn đủ cho quy hoạch.
Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Thiện cho rằng, cần phải học tập quy hoạch của nước ngoài trong việc lập quy hoạch thành phố. Việc học đó không ở đâu xa, mà học hỏi ngay tại quy hoạch quận 7, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, do nước ngoài đầu tư.
“Khu đô thị mới Bàu Cát, quận Tân Bình, ngày mới thành lập cũng được công nhận là đô thị kiểu mẫu, đường kiểu mẫu. Nhưng giờ nhìn lại, bộ mặt đô thị nhếch nhát, đường xá nhỏ hẹp. Rõ ràng, năng lực nguồn nhân lực quy hoạch đô thị trong nước rất hạn chế, thiếu tầm nhìn. Nếu cứ quy hoạch bừa bãi, không học tập nước ngoài thì không khéo lại tái diễn Bàu Cát hai hoặc lại xây dựng một thành phố của… ông nông dân”, ông Thiện nhấn mạnh.
Ngoài ra, cả hai đồ án đều bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm mà để đưa vào thực hiện thì cần phải xem xét, chỉnh sửa lại rất nhiều. Chẳng hạn như, báo cáo quy hoạch rất vĩ mô, nhưng nhìn chung chỉ tập trung cho khu trung tâm mà bỏ quên các góc khuất như: Gò Vấp, quận 12…
Hướng phát triển chính theo quy hoạch là hướng Đông và hướng Nam. “Hướng Đông không có gì bàn cãi vì công nghiệp phát triển sẵn. Còn hướng Nam là vùng kênh rạch nhiều, nền đất yếu, phải giữ thiên nhiên và giảm mật độ xây dựng. Nếu biến nơi đây thành đô thị phát triển với hàng loạt các công trình kiến trúc, nhà cao tầng thì nguy cơ sụp lún rất cao. Lúc đó sẽ thiệt hại không nhỏ cho thành phố mà khó khắc phục được”, đại biểu Võ Văn Sen góp ý.
Theo đó, phát triển theo hướng Tây Bắc hoặc Đông Bắc thay cho hướng Nam là hợp lý, để kết nối với các tỉnh công nghiệp đang phát triển như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh…
Cũng theo đại biểu Võ Văn Sen, nếu giao cho Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc hoặc Sở Tài nguyên môi trường khảo sát thực tế, khắc phục những hạn chế của cả một quy hoạch tổng thể TP.HCM thì các đơn vị này sẽ không làm nổi. Cần phải lập một đoàn công tác hết sức đặc biệt có tác dụng giải quyết liên ngành, do Thành ủy, UBND hoặc HĐND tham gia đoàn. Hình thành công ty quốc doanh tư vấn quy hoạch, kêu gọi nước ngoài đầu tư vào quy hoạch thành phố.