Dùng thuốc hạ sốt tại nhà cho trẻ đúng cách
Mỗi ngày bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương tiếp nhận khoảng 50 - 60 trẻ đến khám bệnh với triệu chứng như: ho, sốt, sổ mũi, quấy khóc….Có nhiều mẹ chưa có kiến thức về cách dùng thuốc hạ sốt tại nhà cho trẻ như: không đo nhiệt độ cho trẻ trước khi dùng thuốc, dùng thuốc không đúng liều, điều này rất nguy hiểm cho trẻ có thể dẫn đến ngộ độc thuốc, hạ thân nhiệt, co giật…Vì vậy việc sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách rất quan trọng đối với trẻ nhỏ.
Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ sốt nhưng thông thường nhất là loại chứa acetaminophen (efferalgan, paracetamol, panadol…)
Các bà mẹ cần lưu ý các điểm sau khi dùng thuốc hạ sốt (efferalgan, paracetamol…) tại nhà:
Trước khi dùng thuốc các mẹ phải đo nhiệt độ cho trẻ.
+ Nếu nhiệt độ < 38,5 °C:
Nên nới rộng quần áo, chườm ấm tích cực cho trẻ bằng khăn ấm, lau trán, nách, bẹn.
Cặp lại nhiệt độ cho trẻ sau khi chườm.
Không nên dùng thuốc hạ sốt cho trẻ trừ 1 số trường hợp đặc biệt.
+ Nếu nhiệt độ ≥ 38,5 °C:
Phải dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, nhưng phải uống theo đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sỹ, dược sỹ.
Liều dùng: tính theo cân nặng của trẻ, mỗi lần 10mg -15mg/kg. Ví dụ: em bé nặng 10kg mỗi lần dùng liều 100mg - 150mg
Mối lần uống thuốc cách nhau 4 đến 6 giờ, trong 1 ngày không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần
Trẻ bị sốt kèm đi ngoài phân lỏng thì tốt nhất nên dùng thuốc đường uống. Trẻ bị sốt nhưng không uống được thuốc, nôn nhiều thì nên dùng thuốc đặt hậu môn
Để đạt được hiệu quả cao và hạ sốt nhanh cho trẻ nhỏ ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nên kết hợp với chườm ấm, cho trẻ uống thêm nước sôi để nguội, nước hoa quả, nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều lần hơn, hoặc uống thêm Oresol theo chỉ dẫn….
Các mẹ cần cho bé nằm trong phòng thoáng khí, tăng cường dinh dưỡng, theo dõi nhiệt độ của trẻ 20 phút - 30 phút/1 lần.
Không nên dùng thuốc quá liều do có thể gây ngộ độc Acetaminophen biểu hiện như đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng, nặng nề hơn trẻ có thể bị tổn thương gan dẫn đến vàng da, vàng mắt, li bì…
Không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ bị các bệnh gan, tim, thận… mà không có hướng dẫn của bác sỹ.
Ngoài ra trên thị trường còn có thuốc Ibuprofen dạng siro vị ngọt dễ uống không cần pha chế. Ngoài tác dụng hạ sốt còn có tác dụng chống viêm giảm đau rất tốt nhưng khó dùng, các mẹ nhớ cho con uống thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ.
Các mẹ cần cho trẻ tới cơ sở y tế hoặc bệnh viện khám và được tư vấn điều trị ngay nếu trẻ có 1 trong số các triệu chứng sau:
+ Sốt cao > 40 °C, sốt liên tục không giảm trong vòng 24h.
+ Trẻ bị co giật, mệt li bì.
+ Nôn, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn.
+ Sốt kèm theo chảy mũi, khó thở, tím tái.
Tóm lại sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Khi trẻ bị sốt các mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tìm nguyên nhân điều trị.
Nguyễn Thị Hoa/Nguồn SKĐS