Dùng thiết bị sưởi ấm mùa đông để không nguy hiểm
Có thể ngộ độc khí CO
Việc dùng các loại bếp than, củi, khí gas hoặc các động cơ sử dụng xăng dầu rất dễ dẫn đến những trường hợp đáng tiếc như ngộ độc cacbon monoxide (CO).
Cụ thể như khi đốt than, do than không được đốt cháy hoàn toàn sẽ hình thành khí CO. Nếu đốt trong phòng hẹp, kín, hiện tượng ngộ độc sẽ diễn ra rất nhanh do con người trực tiếp hít thở. Khi bị ngộ độc, khí CO sẽ ngăn cản quá trình vận chuyển oxi của máu nên sẽ gây tổn hại nặng cho các cơ quan, nhất là hệ thần kinh và tim mạch.
Biểu hiện nhẹ là đau đầu chóng mặt, nặng có thể dẫn đến hôn mê, tím tái, thở yếu hoặc ngừng thở. Các trường hợp nặng nếu không tử vong cũng bị tổn thương não, để lại những di chứng vĩnh viễn về thần kinh.
Theo tính toán, sưởi bằng máy điều hòa 2 chiều là văn minh và an toàn nhất, bảo vệ môi trường giảm phát thải khí CO2 và tiết kiệm điện năng nhiều nhất (tiết kiệm tới 75% điện năng so với lò sưởi chạy điện). Ngoài ra cũng có một số thiết bị như đèn sưởi, quạt sưởi, chăn điện hay tấm đệm sưởi...
Nhưng ngoài lợi ích mà máy sưởi mang lại thì ai cũng biết là chúng gây ra một số điểm bất tiện như không khí khô nóng, ô nhiễm, gây nứt nẻ da hay thậm chí là ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Cần lưu ý khi sử dụng các thiết bị sưởi như đặt nhiệt độ phù hợp từ 22 - 25 độ
Theo các chuyên gia thì khi sử dụng thiết bị sưởi trong những ngày rét đậm, chúng ta không nên đặt nhiệt độ quá nóng, chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời nhiều để tránh tình trạng gặp lạnh đột ngột khi bước ra khỏi phòng.
Đối với khí hậu nước ta chỉ nên để từ 22 đến 25 độ là phù hợp. Bởi không khí quá khô nóng dễ ảnh hưởng tới hệ hô hấp.
Bỏ chậu nước vào phòng khi bật điều hòa, máy sưởi bởi đa số các thiết bị này đều không có bộ phận làm ẩm và chỉ có hệ thống làm ấm.
Mùa đông của nước ta thường là hanh khô, không khí bị đốt nóng liên tục trong phòng rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, vậy nên việc tăng độ ẩm để tạo sự cân bằng cho không khí là rất cần thiết.
Máy phun hơi ẩm cũng góp phần cải tạo không khí, tuy nhiên sẽ bất cập bởi loại máy bạn sẽ phải thường xuyên vệ sinh máy sạch sẽ để tránh vi khuẩn, bụi bẩn theo hơi nước phun vào không khí, làm không khí càng ô nhiễm thêm, dễ ảnh hưởng đến hệ hô hấp đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ.
Nhưng vẫn bên mở hé cửa hoặc bật quạt thông gió
Và một quan niệm sai lầm cũng ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe đó là càng ấm, càng kín trong mùa đông là càng tốt.
Căn phòng thường xuyên đóng cửa kín mít sẽ khiến không khí trong phòng khô nóng, không có sự lưu thông. Những người trong phòng chỉ hít thở bằng chính không khí nóng đó và khí do hơi thở người tạo ra, dẫn đến hiện tượng ngột ngạt, thiếu khí. Bạn vẫn nên mở hé cửa hay bật quạt thông gió để không khí đối lưu trong khi bật điều hòa, máy sưởi.
Thiết bị cũng cần có thời gian nghỉ
Không nên lạm dụng điều hòa, máy sưởi quá mức mà phải có thời gian nghỉ để không khí trong phòng được tái tạo lại. Lúc này nên mở tất cả các cửa để không khí được thông thoáng, không khí khô nóng cũ được thay thế bằng làn không khí mới. Làm như vậy sẽ giảm được đáng kể bệnh về đường hô hấp do sử dụng máy sưởi gây ra.
Túi sưởi cũng có thể gây họa
Nhiều gia đình không có điều kiện dùng các thiết bị sưởi tiêu hao điện năng có thể dùng loại túi sưởi điện. Túi được làm nóng bằng chất kích thích tăng nhiệt. Chất dẫn nhiệt bên trong là nước và muối.
Sau một vài năm sử dụng dẫn tới sự thẩm thấu, nước hao dần và làm cho không khí lọt vào bên trong túi. Khi cắm điện, nhiệt độ tăng, làm cho lượng không khí sinh ra bên trong túi căng phồng, nhiều lần sẽ bị giãn, làm rách đường viền hoặc bục túi.
Cũng có trường hợp nổ rách túi bên ngoài do cắm lâu quá, nước giãn nở, đầy bọt khí... trong khi túi không thể giãn nở to hơn dẫn tới bục... Vì thế khi sử dụng cần lưu ý, với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, không nên cho dùng vì có thể bị bỏng. Với những trẻ lớn hơn, khi dùng, có thể lấy miếng lót may sẵn hoặc gói vào chiếc khăn bông tránh tiếp xúc trực tiếp làm bỏng da trẻ.
Nguồn Sức khỏe&Đời sống