"Đừng mang dân ra thí điểm"
"Đừng mang dân ra thí điểm"
- Bộ GTVT đã đề ra phương án thay đổi giờ học, giờ làm để chống ùn tắc. Theo ông giải pháp này có thực sự khả thi?
- Vấn đề thay đổi giờ làm, giờ học hiện nay không mới. Hà Nội ngay từ năm 2008 – 2009 đã thực hiện điều chỉnh lệch giờ giữa công chức làm việc ở Hà Nội với khối cơ quan trung ương.
TS. Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: LD |
Thành phố HCM ngay từ năm 2003 đã đề ra chủ trương điều chỉnh giờ làm. Nhưng phải 5 năm sau khi lấy ý kiến của nhân dân, Thành phố HCM mới triển khai. Sau hơn 2 năm thực hiện, vấn đề ùn tắc giao thông không giải quyết được nhiều.
Hà Nội đã đề ra giải pháp thay đổi giờ làm, giờ học, nhưng nhiều người dân thấy chưa hợp lý.
- Theo ông việc điều chỉnh giờ học, giờ làm phải triển khai thế nào cho hợp lý, hiệu quả?
- Khi thực hiện đổi giờ học, giờ làm chúng ta phải xét đến vấn đề đặc trưng của Hà Nội. Vì Hà Nội vừa có cơ quan của Hà Nội, lại có cả cơ quan của trung ương.
Mặt khác cơ cấu dân số hiện nay của Hà Nội là cơ cấu trẻ, chủ yếu trong độ tuổi đi làm. Lượng người già chỉ chiếm 9% dân số, trong khi ở các đô thị khác lên tới 12 – 13%.
Ngoài ra, lượng sinh viên đại học tập trung ở Hà Nội cũng rất nhiều, với 70 vạn. Hay Hà Nội bây giờ còn nhiều phường “trắng” về mẫu giáo và trường phổ thông, phụ huynh thường phải cho con học trái tuyến…
Vì thế cần phải nghiên cứu kỹ hơn nữa. Điều quan trọng là lựa chọn khu vực “nóng” để thí điểm, khi có hiệu quả mới triển khai đồng bộ.
Các giải pháp tình thế giảm ùn tắc giao thông cần nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. Ảnh: LD |
- Giải pháp tình thế khác hiện đang được rất nhiều người quan tâm là hạn chế xe cá nhân, tăng cường xe công cộng. Cá nhân ông có kỳ vọng vào sự thành công từ giải pháp này?
- Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải lựa chọn nhiều kịch bản. Có những kịch bản phải chấp nhận lượng xe máy nhiều hơn. Hiện Hà Nội có khoảng 3,8 triệu xe máy, nếu tăng tỷ lệ đường có thể tăng tới 5 triệu xe.
Ngược lại kịch bản khác có thể giảm tỷ lệ xe máy xuống còn 2 triệu và tăng gấp 3 lần phương tiện giao thông công cộng hiện nay.
Hiện Hà Nội có khoảng 1.000 xe buýt với 70 tuyến đường. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tăng bao nhiêu để vừa không ảnh hưởng đến đường giao thông, vừa đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân?
Ngoài xe buýt, cơ quan chức năng cần kết hợp hệ thống đường trên cao, cầu vượt tại các nút giao cắt, đường hầm… Nhưng các giải pháp này rất khó thực hiện vì nó đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn.
Cần thực hiện hiệu quả việc phân làn để chống ùn tắc. Ảnh: LD |
- Vậy theo ông giải pháp nào có thể mang lại hiệu quả cao vào thời điểm này?
- Trước hết phải gia tăng phương tiện vận tải công cộng. Cần giải phóng vỉa hè cho thông thoáng để người dân có thể đi bộ được.
Ngành giao thông Hà Nội cần tổ chức tốt việc phân làn cho hiệu quả. Đây là việc làm cần thiết, nhưng phân làn ở đâu, phân làn thế nào và hệ thống điều hành ra làm sao thì phải nghiên cứu thật kỹ.
Hạn chế xe cá nhân cũng là giải pháp cần thực hiện, nhưng phải phân vùng ra chứ không nên hạn chế xe cá nhân ở cả nội đô. Hiện xe cá nhân không phải chỉ là phương tiện mà còn trở thành tài sản và hệ quả của cả một quá trình phát triển.
Mọi giải pháp dù là tình thế hay lâu dài cũng cần được tính toán cẩn thận trước khi đưa vào triển khai. Đừng mang cuộc sống của người dân ra thí điểm!
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dũng
(thực hiện)