Đừng để con tự bơi trong vòng xoáy… thế giới ảo
Chắc hẳn, nhiều phụ huynh không hề hay biết con em mình đang làm gì trên thế giới ảo đó.
Những đứa trẻ chỉ mới học tiểu học có thể dễ dàng buông ra những lời đấu tố hung hăng, thô tục, thậm chí bạo lực mạng chỉ đơn giản để “hạ bệ” một người lạ chướng mắt. Có lẽ, nhiều bậc cha mẹ không hề hay biết con em mình đang trở thành nạn nhân của mạng xã hội khi “quăng máy” cho con mà không kiểm soát. Những đứa trẻ đang biến mình thành những “anh, chị đại” trên mạng xã hội.
“Đại chiến” trên TikTok
Trẻ em dễ dàng xem TikTok mà không cần có tài khoản - Ảnh: Phúc Trần |
Chị Hồng Linh (quận Tân Bình, TPHCM) kể, chị tá hỏa khi thấy cháu gái mới học lớp Một lướt TikTok và xem những video có những lời lẽ không dành cho trẻ nhỏ như: “Đây này, mấy tụi mày có ti vi to hông. Nè, mấy tụi mày có một dàn loa đẹp không, hả? Mấy tụi mày có luôn cái bàn học đẹp của tao không hả? Tao hỏi tụi mày một lần nữa, nhà mày có nhà lầu to hông mà chửi người khác”.
Đáng nói, đây là clip của cô bé mới học lớp Hai. Cô bé tự dùng điện thoại quay, liên tục chỉ tay vào màn hình. Ở những clip khác, cô bé này tiếp tục dùng những lời thô tục không thể tưởng tượng nổi.
Tuy những video này được đăng tải khoảng thời gian trước nhưng không hiểu sao bé cháu nhà chị Linh không có tài khoản TikTok vẫn có thể xem được. Chị hốt hoảng lấy lại điện thoại và tiếp tục lướt thì hỡi ôi, quá sốc với cuộc “đại chiến” của những “anh, chị đại” nhí.
Sau những video với những ngôn từ và hành động không phù hợp, cô bé nói trên thu về một lượng “anti” đáng kể. Kéo theo đó là hàng loạt tiktoker lứa tuổi tiểu học quay video đăng đàn thể hiện thái độ đối với “chị đại” nhí.
Hàng loạt video mà những đứa trẻ dùng để “tấn công” người khác nhan nhãn trên nền tảng TikTok: “Mình có một tin vui muốn nói với các bạn, đó chính là con đó đã bị hack nick rồi, các bạn hông cần chửi nó nữa đâu nhe”; “Mình thông báo với các bạn là con đó đã ra đường rồi nha. Vì sao mình biết? Vì mình vừa mới gặp nó nè, mình hông có xông vô chửi nó được vì mình đang đi với ba mình. Nó nhìn mình bằng con mắt đáng sợ”;
“Bữa nay, chế cảnh cáo cưng. Bữa hổm, cưng hỏi chế xl là gì, bữa nay chế giải thích cho cưng…”; “Cái video này, tui xin gửi đến con T.V chảnh vừa thôi má, bớt chảnh dùm đi. Người ta chửi là chửi đúng, chứ không chửi sai”; “Tao nói cho mày biết, mày đừng có lôi ba mẹ mày ra. Ở đây, tao và mọi người không sợ đâu. Mày chửi tao và mọi người là chó, vậy mày là con gì? Mày là dog đó”…
Với 2,6 tỷ lượt cài đặt hiện nay, TikTok đang là một trong những nền tảng mạng xã hội thu hút sự tham gia đông đảo nhất của giới trẻ. Nhu cầu đăng ký thành viên của TikTok càng tăng trong thời gian dịch bệnh. Mặc dù theo quy định của TikTok, trẻ em dưới 13 tuổi không được phép đăng ký sử dụng, thế nhưng bất cứ ai thuộc nhóm tuổi này cũng đều dễ dàng tạo cho mình một tài khoản trên TikTok bằng cách cung cấp thông tin giả về năm sinh để qua mặt hệ thống đăng ký. Nguyễn Thuận |
Những hành động, ngôn từ không phù hợp với lứa tuổi được các cô, cậu bé độ tuổi tiểu học vô tư sử dụng và thể hiện như một cách khẳng định bản thân. Chắc hẳn, nhiều phụ huynh không hề hay biết con em mình đang làm gì trên thế giới ảo đó.
Không thể kiểm soát
Con chị Ngọc Nga (quận 12, TPHCM) học lớp Bốn, tự mày mò trên mạng tải TikTok về máy và tạo tài khoản. “Tôi là dân buôn bán nên không rành, chỉ thấy con làm các video với những hành động, âm nhạc khá dễ thương nên cứ để con chơi. Lúc đó, tôi còn nghĩ con sáng dạ. Một ngày, tôi thấy con lướt đến clip có nhan đề chị gái xinh, trong đó các cô gái trang điểm, mặt nhọn hoắc, mặc đồ không kín đáo, uốn éo… Tôi giật mình tịch thu lại máy và nhờ người xóa luôn tài khoản của con”, chị Nga chia sẻ.
Nhiều phụ huynh cho biết con họ không có tài khoản TikTok vẫn xem được các video trên nền tảng này, cả video của những người xa lạ. Chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ một trường đại học tại TPHCM, cho hay: “Vấn đề là các video clip trên TikTok dường như không giới hạn độ tuổi, cha mẹ không cách nào quản lý xuể. Trên TikTok, giới trẻ thích phô bày những điều rất ảo như cuộc sống sang chảnh, xài hàng hiệu, trai xinh gái đẹp ăn mặc mát mẻ, chứ hiếm ai khoe chuyện học hành. Các video lại có hiệu ứng rất bắt mắt, sự kết nối nghe - nhìn dễ dàng nên các trào lưu được lan truyền với tốc độ chóng mặt”.
Thạc sĩ tâm lý giáo dục Chế Dạ Thảo cho biết: Việc trẻ em và giới trẻ bị lôi cuốn và làm theo hành động, xu hướng, trào lưu mạng xã hội nói chung, TikTok nói riêng là dễ hiểu. Bởi ở độ tuổi nhỏ, các bạn rất dễ tập diễn, bắt chước làm theo các hành vi của người khác và cho đây là cách để thể hiện bản thân, hòa nhập với bạn bè, không bị lạc hậu. Tuy nhiên, các em chưa có bộ lọc vững vàng, rất dễ bị ảnh hưởng đến cảm xúc, hành động và hình thành những thói quen không phù hợp với độ tuổi. Các em dễ dàng tiếp cận và bị ảnh hưởng bởi những xu hướng mang tính chất bạo lực, đồi trụy.
Từ đó, hình thành nhiều hành vi lệch chuẩn mà chúng ta đang thấy như bắt nạt bạn bè, khoe hình thể quá nhiều hoặc nói những lời có nội dung “người lớn”. Về lâu về dài dẫn đến sự phát triển không tốt về mặt nhân cách hoặc trẻ lớn quá nhanh, hoặc lớn lệch chuẩn…
Vậy làm sao giúp trẻ không nghiện những trào lưu này? Thạc sĩ Dạ Thảo cho rằng, trẻ nghiện một điều gì đó vì nó có tính hấp dẫn, đó là được thể hiện giá trị bản thân, từ âm nhạc, thời trang, thần tượng, sự mới lạ, thỏa mãn được cái tôi và sở thích… Cha mẹ và thầy cô phải quan tâm đến nguyên nhân để bảo vệ con em mình, giúp trẻ có nhiều thông tin, vạch ra nhiều con đường khác để trẻ khẳng định bản thân, tham gia hoạt động lành mạnh có sức hấp dẫn khác.
Muốn trẻ “cai nghiện” thì tìm cho trẻ những kênh, lớp học, sân chơi lành mạnh nhưng phải có sức lôi cuốn. Hoặc chúng ta có thể “thả” trẻ vào những cộng đồng cùng độ tuổi được định hướng bởi những cá nhân có xu hướng tích cực.
Nữ sinh bị ghép ảnh nhạy cảm, phụ huynh sửng sốt con bị bắt nạt khi học trực tuyến
Hầu hết mọi người nghĩ rằng việc học trực tuyến sẽ không xảy ra tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường nhưng sự thật thì không phải như vậy.
Theo www.phunuonline.com.vn