Đưa tin về xâm hại tình dục: Đừng biện minh cũng đừng “quỷ hóa” thủ phạm
Mặc dù cuộc thảo luận chỉ lấy ví dụ về các trường hợp xâm hại tình dục ở Italy và Anh, nhưng những ý kiến đóng góp trong buổi thảo luận có thể áp dụng được ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo ước tính của chính phủ Anh, khoảng 75% trong số những phụ nữ bị xâm hại tình dục ở Anh không báo với cảnh sát. Từ đó có thể thấy tâm lý xấu hổ hay mặc cảm của nạn nhân vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, truyền thông thường đưa tin về các vụ tấn công tình dục một cách giật gân. Theo các nhà phân tích, cách đưa tin đó có tác động tiêu cực nhiều hơn là mặt tốt của nó.
Ảnh minh họa. |
Theo các nhà phân tích, các vụ tấn công hay xâm hại tình dục thường tập trung vào nạn nhân, tính cách của nạn nhân, cách ăn mặc của nạn nhân và liệu nạn nhân có thể tránh bị xâm hại hay không. Đặc biệt, theo phóng viên ảnh Stefania Prandi của Italy, xu hướng đáng báo động ở nước này là các tin tức về tấn công tình dục thường kèm theo hình ảnh mặt của nạn nhân.
Việc tập trung vào các hành vi của nạn nhân có thể nảy sinh hoặc gia tăng ý nghĩ độc hại rằng hành vi bạo lực hay xâm hại tình dục đó xảy ra là do nạn nhân. Những tin tức hay bài viết về tội ác này sẽ có hậu quả khôn lường nếu cho rằng nạn nhân "quá đẹp" và kẻ tấn công "không thể tự kiểm soát được mình".
Tuy nhiên, một vấn đề nghiêm trọng nữa là thủ phạm thường bị miêu tả như những con quái vật, những người không có khả năng tự chủ. Thay vào đó, báo chí có thể hướng độc giả tới một quan điểm có tính cảm thông hơn, bớt gay gắt hơn chẳng hạn như cuộc điều tra hình sự sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của những kẻ tấn công. Cách đưa tin như vậy cũng giúp cảnh báo những hành vi phạm tội tiềm năng.
Ngoài ra khi đưa tin về bạo lực nói chung và bạo lực tình dục nói riêng, các nhà báo thường có xu hướng đẩy câu chuyện theo hướng tràn ngập sự sợ hãi.
Daria Sukharchuk, một nhà báo đang làm việc tại Đức nhớ lại: “Nhiều lần tôi gặp những bình luận kiểu ‘câu chuyện này khiến tôi thấy thật tệ” về các bài viết của mình. Chúng khiến tôi phải suy nghĩ về việc có phải tôi đã đưa tin quá cực đoan hay không. Tôi muốn câu chuyện không quá cực đoan nhưng độc giả vẫn xem xét nghiêm túc về câu chuyện tôi viết”. Cuối cùng, Daria đã nói chuyện với ban biên tập và họ đồng ý bỏ một số chi tiết nhất định nhưng vẫn đảm bảo đúng sự thật.