Đưa phát thải ròng bằng “0” hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhằm chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Việt Nam cần tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, các dòng tài chính xanh đầu tư cho phát triển, đồng thời cũng thực hiện và cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển hài hòa, bền vững và toàn diện.
Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 01/01/2022 cũng quy định rõ trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong thực hiện thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó là một loạt chính sách thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ như:
Nghị định 06/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 07/01/2022 quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường cac-bon; Quyết định 01/2022/QD-TTg có hiệu lực từ 18/01/2022 quy định Danh mục các lĩnh vực, cơ sở có mức phát thải hàng năm từ 3.000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục sẽ được cập nhật 2 năm 1 lần; Quyết định 896/QD-TTg ngày 26/7/2022 về Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, đưa ra định hướng chiến lược, biện pháp, lộ trình thực hiện đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; Quyết định 942/QD-TTg ngày 05/8/2022 về Giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020.
Đồng thời, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng đã đề ra 87 biện pháp giảm phát thải kèm chi phí nên thuận lợi cho việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện và theo dõi giám sát. Tỷ trọng các nguồn năng lượng phát điện được tham chiếu và điều chỉnh theo Quy hoạch điện 8,…
Ông Phạm Văn Tấn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Do đó, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các bon thấp.
“Việc thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu. Do đó, phải thống nhất về nhận thức, thông về tư tưởng, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó”, ông Phạm Văn Tấn nói.
Ông Tấn cũng nêu ý kiến phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm khác; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực nhà nước và tư nhân, truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân. Đồng thời, phải tận dụng, tranh thủ, phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26.
Chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng “0” là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam. Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp
Cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính; Chuẩn bị để tham gia thị trường các bon. Đồng thời, hợp tác với các cơ quan Chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn/hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình.
Tuân Nguyễn