Đưa người bán dâm đi chữa bệnh, người mua thì sao?
Đưa người bán dâm đi chữa bệnh, người mua thì sao?
Dự thảo luật xử lý vi phạm hành chính quy định, người bán dâm sẽ được mang đi cơ sở chữa bệnh. ĐB Minh Thắm, tỉnh Lâm Đồng tỏ ra không đồng tình với chủ trương này. Theo bà Thắm, người bán dâm là nạn nhân cần giúp đỡ để họ trở thành người lương thiện. ĐB Thân Đức Nam, Đà Nẵng cũng kiến nghị bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Vì làm như vậy là quá nghiêm khắc vì đã tước quyền tự do của họ.
ĐB Ngô Văn Minh, đoàn Quảng Nam cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc quy định này. Ông Minh cho rằng, người bán dâm là nạn nhân cần được giúp đỡ. Mặt khác hành vi của họ không gây nguy hiểm cho xã hội. Cách ly người bán dâm thì quá nghiêm khắc. Theo ĐB này, nhà nước nên lập ra trung tâm giáo dục hướng thiện, đào tạo nghề để đưa họ vào trong đó.
Dự thảo luật quy định người bán dâm sẽ phải đi cơ sở chữa bệnh. Ảnh minh họa |
Trước nhiều ý kiến trên, ĐB Đỗ Kim Tuyến, Hà Nội tỏ ra băn khoăn với quy định này. Theo luật hình sự, hành vi mua bán dâm sẽ phải xử lý thật nghiêm. Thời gian qua dù lực lượng chức năng đã cố gắng nhưng loại tệ nạn này còn diễn phức tạp.
“Số người bán dâm, lây nhiễm HIV cần được chữa trị, vì cộng đồng, và vì chính người bán dâm. Vì thế tôi rất băn khoăn khi nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa người bán dâm ra khỏi nơi chữa bệnh” – ĐB Tuyến nói.
Một ĐB nữ phân tích, có người bán dâm ắt sẽ có người mua dâm. Không đồng tình với quan điểm đưa họ đi chữa bệnh, nhưng để đảm bảo sự công bằng, vị ĐB này kiến nghị nếu đã đưa người bán dâm đi chữa bệnh thì phải đưa cả người mua dâm theo.
Một vấn đề khác được nhiều ĐB quan tâm là quy định tịch thu phương tiện đối với những trường hợp vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ. Có BB ủng hộ giải pháp tăng mức xử phạt và tạm giữ phương tiện cá nhân đối với nhiều hành vi vi phạm. Ngược lại nhiều ý kiến cho rằng tạm giữ phương tiện không mang lại hiệu quả, và gây ra những hệ lụy xấu về mặt xã hội.
“Tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông gây hệ lụy xã hội, ảnh hưởng đến tài sản công dân. Trường hợp nhà năm người nhưng chỉ có một xe, nếu bị tạm giữ sẽ không có cái đi lại. Hay trong gia đình có chiếc xe tải, nếu bị giữ vài tháng sẽ không có công ăn việc làm. Cần hạn chế thấp nhất việc thu giữ phương tiện” – ĐB Trần Văn Độ, tỉnh An Giang đề nghị.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng mức phạt tiền rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc phòng ngừa, răn đe. Mức phạt như hiện nay đã lạc hậu, dân kêu người thi hành luật cũng kêu, dẫn tới thực trạng vi phạm ngang nhiên.
Đề cập đến lĩnh vực xử phạt môi trường, ĐB Nguyễn Minh Lâm, đoàn Long An cho rằng, quy định xử phạt hiện nay chưa phù hợp. Nhiều đơn vị xả thải ra môi trường, gây bức xúc cho người dân. Nếu mức phạt vài chục đến một trăm triệu đồng sẽ không đủ sức răn đe. Họ sẵn sàng nộp phạt chứ không bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đầu tư công nghệ xử lý chất thải.
Dự thảo luật lần này quy định, mức phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân mức thấp nhất 50 nghìn đồng và cao nhất một tỷ đồng. Đối với tổ chức, mức xử phạt thấp nhất 100 nghìn đồng, và cao nhất 2 tỷ đồng. Tuy nhiên ĐB Ngô Văn Minh, Quảng Nam cho rằng quy định này chưa hợp lý, vì nhiều trường hợp cá nhân vi phạm còn nguy hiểm và lớn hơn tổ chức.
Ngược lại với một số ý kiến đưa ra khi bàn về vấn đề tăng mức xử phạt, ĐB Trần Văn Độ phân tích, trong bối cảnh thu nhập của người dân chỉ 2 triệu đồng mỗi tháng, nếu áp dụng mức xử phạt một tỷ đồng là quá cao. Vì thế Quốc hội cần cân nhắc mức độ xử phạt cho phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.
“Vi phạm lĩnh vực môi trường, chứng khoán, mức xử phạt cao nhất chỉ 500 triệu đồng, không lý gì vi phạm hành chính lại lên đến một tỷ đồng. Xử phạt quá khốc liệt chưa và không bao giờ có ý nghĩa tích cực, ngược lại người vi phạm còn sinh ra chây lỳ” – ĐB Độ nói.
Nguyễn Dũng