Du lịch Hà Nội bứt tốc đón du khách sau đại dịch
Mở cửa trở lại một loạt điểm văn hoá du lịch sau thời gian “đóng băng” do đại dịch, Hà Nội đang nỗ lực đặt mục tiêu những tháng cuối năm 2020, sẽ đón khoảng 10 - 11 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Du lịch Hà Nội bứt tốc đón du khách sau đại dịch |
Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, đơn vị này đang nỗ lực phục hồi thị trường nội địa với việc mở cửa trở lại các điểm văn hóa, du lịch sau thời gian phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, ngay dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5, các khu, điểm du lịch Hà Nội như: Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, Công viên Thiên đường Bảo Sơn, Vườn quốc gia Ba Vì và các khu du lịch khác tại Ba Vì, các điểm du lịch của thị xã Sơn Tây đã lần lượt mở cửa đón khách trở lại.
Từ ngày 14/5, hàng loạt di tích, bảo tàng mở cửa đón khách trong trạng thái "bình thường mới". Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được mở trở lại, thu hút sự quan tâm của người dân.
Mặc dù đặt mục tiêu thu hút khách du lịch nhưng tại các đơn vị, yếu tố an toàn, nâng cao chất lượng phục vụ cũng được đặt ra. Do đó, trước khi mở cửa trở lại, tất cả các đơn vị đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, chuẩn bị cho các sự kiện mới. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thành phố là một trong những địa chỉ thu hút đông khách du lịch. Trung bình, di tích đón hơn 400 nghìn khách/năm. Thực hiện giãn cách xã hội, di tích đã dừng đón khách hơn một tháng.
Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Bích Thủy cho biết: Việc dừng đón khách là bất đắc dĩ, nhưng đây cũng là khoảng thời gian để chúng tôi bổ sung kiến thức chuyên môn, tập huấn nhân sự… để bảo quản di tích, các hiện vật và phục vụ khách tham quan tốt hơn.
Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích chia nhân viên thành các nhóm khác nhau để viết lại quy trình làm việc như quy trình bán vé, quy trình lễ tân, quy trình phục vụ thuyết minh… Tiếp đó, mỗi người có những đề xuất, góp ý để hoàn thiện quy trình. Lãnh đạo Ban quản lý di tích đã thu được nhiều đề xuất bổ ích để điều chỉnh công tác phục vụ khách tham quan.
Bà Nguyễn Bích Thủy cho biết thêm: Trong dịp này, đơn vị xây dựng nhiều kịch bản về các hoạt động tại di tích, để các hoạt động phong phú, hấp dẫn hơn như: Tổ chức dâng hương, giao lưu với nhân chứng, chiếu phim tư liệu, thi tìm hiểu kiến thức về di tích Nhà tù Hỏa Lò, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên... Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng, giới thiệu các clip truyền thông về các nội dung liên quan nhân chứng lịch sử, các sự kiện, câu chuyện, hiện vật... gắn liền với di tích.
Theo đánh giá ban đầu của Sở Du lịch, trong những ngày đầu tiên mở cửa trở lại, các điểm di tích, bảo tàng, khu du lịch đón lượng khách nội địa đạt khoảng 20% so với thời điểm trước dịch. Hà Nội phấn đấu những tháng cuối năm 2020, sẽ đón lượng khách du lịch nội địa cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, ước khoảng 10-11 triệu lượt khách.
Để có thể đạt mục tiêu này, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch khôi phục thị trường du lịch theo từng giai đoạn. Sở sẽ triển khai hưởng ứng Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động gắn với xây dựng hình ảnh điểm đến "Hà Nội an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn"; hướng dẫn các khu, điểm tham quan du lịch mở cửa hoạt động trở lại để thu hút du khách nhưng vẫn bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch Covid-19.
Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch thu hút khách du lịch tới Hà Nội, như: Lễ hội văn hóa dân gian đương đại tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội và các tỉnh, thành phố của 3 miền Bắc - Trung - Nam và quốc tế; liên hoan du lịch làng nghề - phố nghề Hà Nội 2020... Đồng thời, Sở sẽ liên kết với các địa phương, các hãng hàng không, các cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng các sản phẩm kích cầu trọng tâm để thu hút khách trong nước.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ tổ chức các đoàn khảo sát với thành phần chính là các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam để tìm hiểu lại thị trường, xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch tại Hà Nội và xây dựng sản phẩm liên kết với các địa phương trọng điểm về du lịch trong cả nước...
N. Dung