Dự đoán sẽ có hơn 100 luật sư tham gia đòi bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén?
Theo Luật sư Phạm Công Út, việc xuất hiện 100 luật sư sẽ thể hiện sự quan tâm của công động xã hội đối với vụ án oan này. Điều đó thể hiện, quyền lợi hợp pháp của người bị oan sai sẽ được xã hội, giới luật sư và giới bảo vệ. Những luật sư tham gia hầu hết ở các nhóm luật sư thiện nguyện liên quan mật thiết đến các luật sư đang hỗ trợ đòi bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén.
Người 2 lần bị kết án "giết người" oan. Ảnh Nguyễn Cường |
Luật sư Phạm Công Út cho rằng: “Tại điều 18 Luật Bồi thường Trách nhiệm Nhà nước đã nêu rõ, quyền yêu cầu là quyền của người bị thiệt hại, nghĩa vụ chứng minh là nghĩa vụ của cơ quan giải quyết bồi thường. Do đó, với sự trợ giúp của nhiều luật sư, tôi e rằng con số đòi bồi thường không phải chỉ là 18 tỉ đồng, có thể là hơn”.
“Bản thân người bị oan sai, được minh oan là điều may mắn, khi bán tài sản, con cái thất học, gia cảnh sa sút để đi minh oan cho người thân, cho người học trò, bản thân họ không có mục đích để được bồi thường. Làm sao có thể bắt họ giữ lại hóa đơn chứng từ khi đi tù? Với họ quyền của họ phải được đảm bảo đương nhiên, chứ họ không phải đi xin cơ quan gây ra oan sai cho họ bồi thường”- Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Infonet qua điện thoại, ông Huỳnh Văn Nén cũng cho biết, về việc đòi bồi thường oan sai, hiện nay có 3 luật sư gồm Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Luật sư Trần Văn Đạt (đều ở Văn phòng Luật sư Tp Hà Nội) và luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư Tp HCM). Về thông tin 100 luật sư sẽ tham gia sẽ liên lạc qua 3 luật sư này.
Bình luận về thông tin dự báo có khoảng 100 luật sư sẽ tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông Huỳnh Văn Nén, Cựu Chánh án, Luật sư Vũ Viết Năng bày tỏ sự vui mừng trước thông tin này. Theo ông, việc có mặt của nhiều luật sư cho thấy sự quan tâm của xã hội đến câu chuyện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị oan sai, quan tâm đến công việc của cơ quan tư pháp là rất lớn.
Theo Luật sư Vũ Viết Năng, không có quy định nào giới hạn số lượng luật sư bảo vệ cho một thân chủ. Tòa án sẽ phải chấp nhận các luật sư, nếu ông Huỳnh Văn Nén và gia đình có yêu cầu.
“Kể cả dùng lý do cơ sở vật chất không đủ, Tòa án cũng không được từ chối luật sư. Với số lượng như vậy, tòa có thể xét xử lưu động hoặc chọn Trung tâm văn hóa để xét xử”- Ông Năng gợi ý.
Trước đó, Infonet đưa tin, chiều ngày 31/8, vòng thương lượng thứ 3, cũng là vòng thương lượng cuối cùng giữa ông Huỳnh Văn Nén và TAND tỉnh Bình Thuận (Tòa án tỉnh) đã kết thúc mà không tìm được tiếng nói chung về mức tiền bồi thường.
Cụ thể phía ông Nén tiếp tục bảo lưu quan điểm yêu cầu Tòa án tỉnh phải bồi thường 18 tỷ đồng cho 18 năm ngồi tù oan. Trong khi đó phía tòa án cũng nhất định giữ mức tiền có thể bồi thường là 10,5 tỷ đồng.
Tham gia buổi thương lượng, về phía thiệt hại có ông Nén, cụ Huỳnh Văn Truyện (ba ông Nén), ông Nguyễn Thận (người được ông Nén ủy quyền), ông Huỳnh Trung Nghĩa (anh vợ ông Nén) và ba luật sư là Phạm Công Út, Nguyễn Văn Quynh và Trần Văn Đạt.
Trong khi về phía Tòa án tỉnh có bà Nguyễn Thị Hiệp Hòa - Phó chánh án và bà Trần Thị Thiên Hương - Phó chánh tòa hành chính.
Tại buổi thương lượng phía Tòa án cho rằng gia đình đã không cung cấp được các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu bồi thường của mình. Cũng theo tòa án thời gian thương lượng đã hết, nên nếu gia đình không đồng ý với mức tiền mà họ đưa ra thì có thể khởi kiện ra tòa.
Ngược lại, luật sư của ông Nén cho rằng việc thu thập chứng cứ là trách nhiệm của tòa án (theo Điều 18, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), do đó nếu tòa án không chấp nhận mức bồi thường 18 tỷ thì phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của ông Nén không tới số tiền trên (Nói cách khác, tòa án có nghĩa vụ chứng minh ông Nén chỉ bị thiệt hại 10,5 tỷ đồng – theo luật sư).
Điều 18. Xác minh thiệt hại
1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh thiệt hại có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.
2. Căn cứ vào tính chất, nội dung của vụ việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể tổ chức việc định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản, giám định thiệt hại về sức khoẻ hoặc lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc giải quyết bồi thường. Chi phí định giá, giám định được bảo đảm từ ngân sách nhà nước.
3. Trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý với kết quả định giá, giám định mà yêu cầu định giá, giám định lại và được cơ quan có trách nhiệm bồi thường đồng ý thì chi phí định giá, giám định lại do người bị thiệt hại chi trả, trừ trường hợp kết quả định giá, giám định chứng minh yêu cầu định giá, giám định lại là có căn cứ.
(Trích Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)