Dù dịch bệnh vẫn không ai bị bỏ lại phía sau nhờ khám chữa bệnh từ xa
Dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp thì mô hình tư vấn - khám chữa bệnh miễn phí từ xa đã mang lại nhiều hiệu quả, người bệnh không bị bỏ rơi dù ở địa phương không thể lên trung ương khám.
Trên đường chở con về nhà, chị Nguyễn Thị L. (37 tuổi, làm giáo viên, trú tại Điện Biên) va chạm với một ô tô tải đi ngược chiều khi tham gia giáo thông. Chị L. đang chở theo con, tai nạn khiến cháu bé văng ra xa, còn chị L. bị bánh xe tải đè lên toàn bộ phần bụng và ngực.
Chị L. bị dập thành bụng, thành ngực, vỡ cơ hoành ngăn cách giữa bụng và lồng ngực, làm cho toàn bộ nội tạng dồn hết lên lồng ngực. Chị L được đưa vào BVĐK tỉnh Điện Biên trong tình trạng bị sốc nặng, suy hô hấp, khó thở, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.
BVĐK tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng xin kết nối với BV Hữu nghị Việt Đức. Tình trạng bệnh nhân rất nặng nên không thể đưa về Hà Nội, trong khi đó điều kiện của BVĐK tỉnh Điện Biên không cho phép thực hiện ca phẫu thuật nên phải có sự hỗ trợ của BV Việt Đức.
Ths. Lê Việt Khánh – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của BV Hữu nghị Việt Đức lập tức tổ chức cuộc hội chẩn tại Trung tâm chỉ đạo tuyến của BV Việt Đức với lãnh đạo và các bác sĩ phẫu thuật, gây mê của BVĐK tỉnh Điện Biên qua đường truyền Telemedicine. Các bác sĩ đã cùng xem các hình ảnh tổn thương của bệnh nhân truyền về và qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine, các chuyên gia đã tư vấn cho các bác sĩ ở BVĐK tỉnh Điện Biên về tình trạng bệnh, khả năng thương tổn cũng như cách xử trí.
Các bác sĩ bệnh viện ngoài cử ekip lên đường ngay lập tức thì cử ekip khác hỗ trợ từ xa hướng dẫn các biện pháp hồi sức tốt nhất cho bệnh nhân, đợi khi các bác sĩ đến nơi là phẫu thuật được ngay. Nhờ có sự kết hợp ăn ý mà người bệnh đã được cấp cứu ngoạn mục.
Trong những năm qua, khám chữa bệnh từ xa là cánh tay nối dài của trung ương tới địa phương, người bệnh tại địa phương được chính các chuyên gia từ trung ương chẩn đoán, tư vấn điều trị.
Kết nối online ngay tại bệnh viện cơ sở tới trung ương. |
Nói về ưu việt của khám chữa bệnh từ xa, BSCKI Hà Thị Dương, Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết đặc thù ở miền núi vô cùng khó khăn do đường xá đi lại cũng như địa hình ở đây rất là phức tạp, nhiều khi chúng tôi chuyển tuyến cũng vậy thì cũng rất bất cập vì hệ thống đường xã nó đi lại khó.
Từ khi có khám chữa bệnh hỗ trợ từ tuyến trên xuống thì tôi thấy rất là bổ ích cho đội ngũ bác sĩ tuyến xã chúng tôi bởi vì bây giờ nếu như gặp những trường hợp cấp cứu khó khăn chúng tôi nhiều cái thì không thể biết hết được muốn cần sự hỗ trợ chúng tôi chỉ cần vào các hệ thống kết nối với tuyến trên thì chúng tôi đã được sự hỗ trợ của tuyến trên là giúp đỡ cho bệnh nhân là qua khỏi những vấn đề cấp cứu.
Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngày 22/6/2020 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu: "Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân".
Đến nay hơn 1500 cơ sở y tế đã kết nối tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Cũng theo ông Tuyên từ khi triển khai kết quả bước đầu rất tốt, y tế địa phương đón nhận tích cực, người dân ủng hộ, tham gia có hiệu quả, nhiều bà con dân tộc thiểu số được các bác sĩ tuyến cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ tuyến trên nên rất tin tưởng và lan truyền nhiều người cùng sử dụng dịch vụ này.
Trong bối cảnh bối cảnh của đại dịch Covid-19, cuộc Cách mạng 4.0 đã giúp kết nối các cán bộ y tế tại trạm y tế xã với các đồng nghiệp tuyến trên. Qua đó, các đơn vị đều tăng cường công tác khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở cho người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, bao gồm cả những người dân tộc thiểu số và những người khuyết tật với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Khánh Chi