ĐSQ Israel, World Bank bàn về các "giải pháp về nước tại Việt Nam"
Hội nghị tập trung vào việc đưa ra những giải pháp thực tiễn để giải quyết các thách thức Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực nước nông nghiệp, nước đô thị và nông thôn . |
Sự kiện diễn ra vào đúng Năm quốc tế của Liên Hiệp quốc về hợp tác trong lĩnh vực Nước và kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Israel.
Hội nghị tập trung vào việc đưa ra những giải pháp thực tiễn để giải quyết các thách thức Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực nước nông nghiệp, nước đô thị và nông thôn trong bối cảnh nhu cầu về tiếp cận nguồn nước, phân bổ nước và các dịch vụ về nước ngày càng tăng.
Theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường và nông nghiệp, một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21 là tình trạng khan hiếm nước và đặc biệt là vấn đề nước cho phát triển nông nghiệp.
Năm 1900, diện tích tưới trên thế giới là 40 triệu hecta, đến năm 1950 đạt 96 triệu hecta, tăng 2,4 lần. 1950-1970 là thời kỳ tăng nhanh: Năm 1970 lên tới 235 triệu hecta, tăng bình quân gần 7 triệu hecta mỗi năm. Các năm tiếp theo, nhịp điệu tăng chậm lại: Thời kỳ 1970-1980, bình quân mỗi năm tăng 3 triệu hecta, nâng tổng diện tích được tưới đến đầu năm 1980 là 265 triệu hecta. Từ 1980 đến 1987, tốc độ tăng bình quân chỉ còn 2,3 triệu hecta/năm.
Nguyên nhân chính là do các vùng đất dễ khai thác không còn nhiều, phải tìm kiếm ở những cùng khó khăn, có nguồn nước hạn chế, cho nên suất đầu tư ngày càng cao. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng phát triển tưới thế giới vẫn còn nhiều. Song, điều quan trọng hơn là cần phải thực thi các biện pháp đồng bộ và có hiệu quả để khai thác tốt các vùng đất được tưới, phát triển nền nông nghiệp tưới bền vững.
Vẫn còn đó, bài học lịch sử lớn về sự suy tàn của những nền văn minh sớm phát triển của nhân loại tại một số quốc gia có tưới, mà người ta cho rằng sự hủy hoại của các hệ thống tưới là một nguyên nhân của sự suy tàn đó.
Theo một đánh giá của Tổ chức lương thực và nông nghiệp của LHQ (FAO), tưới nước và phân bón là hai yếu tố quyết định hàng đầu làm cho tốc độ tăng sản lượng lương thực vượt qua tốc độ tăng dân số thế giới. Song, bản thân việc tưới nước cho đất, ngoài các mặt tích cực ra, cũng tiềm tàng nguy cơ làm thoái hóa đất.
Tham dự hội nghị có khoảng từ 250 đến 300 chuyên gia và đại diện các cơ quan hữu quan, trong đó có ông Hoàng Văn Thắng, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam.
Tại phiên họp chuyên đề, đại diện của các công ty hàng đầu về xử lý nước của Israel như Hagihon. Miya, Netafim cùng với các chuyên gia cao cấp của tổng cục Thủy lợi Việt Nam, Viện khoa học thủy lợi Việt Nam và Ngân hàng Thế Giới sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về giải pháp nước cho nông nghiệp, vấn đề chính sách, tác động của biến đổi khí hậu và phương pháp tiếp cận dựa vào kết quả trong sử dụng nước tại đô thị.