Dơi "tuyệt vọng" vì thành... đặc sản
Đàn dơi với số lượng lớn đang sống ở nhiều hang dung nham trên địa bàn 2 huyện Tân Phú và Định Quán. Ảnh: T.Hải |
Bẫy dơi…
Trước khi các nhà khảo sát thuộc Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) và Hội Hang động Berlin (Cộng hòa Liên bang Đức) khám phá hàng loạt hang dung nham ở 2 huyện Tân Phú, Định Quán thì người dân địa phương cho hay, họ đã biết sự tồn tại của chúng hơn 10 năm trước. Hầu như hang dung nham nào cũng có đông đảo loài dơi cư ngụ, nên người dân quen gọi là hang Dơi.
Vào những ngày trời nắng hay dịp cuối tuần, người dân địa phương đi bắt dơi về làm mồi nhậu khá nhiều. Để chứng kiến cảnh “sát” dơi, chúng tôi theo anh Lê Văn Mẫn (31 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán) xuyên qua cánh rừng giá tỵ rộng lớn để đến hang chữ “Cờ”. Hang chữ “Cờ” dài hơn 400m, bề ngang rộng chừng 4-6m, chiều cao có nhiều đoạn người đi phải cúi khom người mới chui lọt. Theo anh Mẫn, chiếc hang này chưa có “chủ”, không nằm trên đất của hộ dân nào nên vô tư bắt dơi.
Khoảng 10 giờ sáng, khi những giọt sương đêm đọng trên cây cỏ đã khô ráo, bầy dơi đã an vị trong hang thì cũng là lúc anh Mẫn bắt đầu giăng lưới bắt dơi. Theo quan sát của chúng tôi, việc giăng lưới không mấy khó khăn, người bắt có thể chọn vị trí thuận lợi rồi giăng trước miệng hang, hoặc ở phía trong hang tùy theo hướng đàn dơi bay ra.
“Kiểu giăng lưới này trông đơn giản, nhưng nó như một “trận đồ bát quái”, dù dơi bay ngang hay dọc, bay theo đàn hay từng cá thể đều đón được hết. Khi dơi bị dính lưới, chỉ việc chạy đến gỡ lưới, không cần kiểm tra, thăm dò như đi bẫy chim” - anh Mẫn nói.
Giăng bẫy xong, anh Mẫn vào sâu trong miệng hang xua bầy dơi bay ra. Xung quanh một màu đen kịt, chúng tôi phải dùng đèn pin loại lớn rọi đường tìm đến chỗ đàn dơi trú ẩn. Chiếu thẳng chiếc đèn pin, anh Mẫn lên tiếng: “Đi vào hang khoảng 200m sẽ gặp bầy dơi con (hoặc dơi mới lớn). Nếu muốn bắt được dơi lớn phải đến điểm gần cuối hang. Lúc đó, người bắt phải làm tiếng động lớn đuổi chúng bay ra, dính vào lưới giăng sẵn ở bên ngoài”.
Đến “lãnh địa” của đàn dơi, anh Mẫn vỗ tay liên tục, âm thanh vọng ra nghe thành tiếng. Thấy động, bầy dơi đang treo mình lơ lửng trên vách hang bỗng bay loạn xạ, hướng về phía miệng hang. Hàng trăm, hàng ngàn con dơi to bằng 2 bàn tay người ghép lại bay thành đàn lớn. Ngay lập tức, anh Mẫn bước thật nhanh để đuổi theo bầy dơi.
Sau chừng 30 phút cuốc bộ, chúng tôi mới quay về điểm xuất phát ban đầu. Nhìn tấm lưới chỉ dính vài con dơi, anh Mẫn buông lời bực dọc: “Do mấy ông chậm chạp quá nên dơi thoát ra ngoài hết. Dơi bây giờ quen hơi người nên chúng rất tinh, có khả năng tránh bị dính lưới. Nhưng không sao, đó chỉ là đợt đầu, lát nữa tôi quay lại thu hoạch những mẻ lưới tiếp theo”.
Tiếng đập cánh vùng vẫy, tiếng kêu “chít chít” tuyệt vọng của những chú dơi bị sa lưới trông thật tội nghiệp. Anh Mẫn nhanh chóng gỡ lưới, bắt dơi bỏ vào túi rồi tiếp tục giăng lưới bắt mẻ khác.
Lo sợ không còn dơi
Ông Võ Văn Danh (45 tuổi), người có tài bắt dơi ở xã Phú Tân, chia sẻ ngoài kiểu giăng lưới, còn có thể dùng vợt để bắt dơi. Trước chuyến đi “săn” phải chuẩn bị cây vợt ngắn khoảng 1m làm bằng lưới hoặc vải. Mỗi lần vung vợt, có thể thu về hàng chục con dơi. Tuy nhiên, cách làm này hơi phiêu lưu vì ở trong hang tối, nhỏ và hẹp, nên có thể va chạm bất cứ thứ gì, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thu gom phân dơi đem bán. |
“Thịt dơi được người ta đồn đại có khả năng chữa bệnh hen suyễn, hồi phục cơ thể suy nhược, trị đau nhức xương khớp rất tốt, nên nhiều người ở TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt đã đặt hàng chúng tôi. Dơi còn là mồi nhậu ngon. Ai đã từng thưởng thức thì khó lòng quên được” - ông Danh nói.
Thịt dơi có màu đỏ như thịt bò, sau khi làm sạch được bán 400 ngàn đồng/kg, giá không hề rẻ. Đối tượng khách hàng chủ yếu là những người có bệnh hen suyễn và các “bợm” nhậu. Giá cao, việc săn bắt không khó, dơi lại sống kiểu tự nhiên nên có nhiều người chuyên đi bắt dơi đem về bán.
Không chỉ bắt dơi chế biến thành mồi nhậu và các món ăn đặc sản, việc thu gom phân dơi đem bán một cách tràn lan cũng khiến môi trường sống của loài dơi bị xâm hại nghiêm trọng. Tại một số hang dơi “vô chủ” nằm bên trong rừng giá tỵ ở huyện Định Quán, ngoài những miệng hang lớn còn có những hang rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho một người chui lọt qua, nhưng khi trời nắng người dân vẫn vào bên trong để gom phân dơi.
Hoạt động này diễn ra thường xuyên, nhiều người còn phân chia thành từng khu vực, từng đoạn hang dài vài chục mét để thu gom. Những chiếc hang vô chủ, không có ai bảo vệ, người dân mặc sức “xâm lấn”. “Một hang có đến chục người gom phân dơi. Họ chia nhau từng mét vuông, thông thường mỗi người có “lãnh địa” 40-50m2, thậm chí cả trăm mét vuông tùy vào việc ai là người đánh dấu trước” - ông Sáu (69 tuổi, ngụ ấp 2, xã Phú Tân) nói.
Ông Nguyễn Văn Trạng cho biết: “Có nhiều vị khách ở TP.Hồ Chí Minh muốn mua thịt dơi với giá 400-500 ngàn đồng/kg nhưng tôi không đồng ý vì sợ số lượng đàn dơi giảm và bỏ đi”. |
Một số người dân ở xã Phú Tân cho biết, phân dơi được nhiều người trồng hoa phong lan, cây cảnh mua với giá 15 ngàn đồng/kg. Phải mất cả tuần lễ người ta mới đi thu gom một lượt nên giá phân dơi khá đắt. Chuyện tranh giành, chia nhau từng đoạn hang để gom phân dơi không phải hiếm. Nhiều người còn “khoét” tường 2 bên hang để có thể vào sâu hơn mà bắt dơi, các loại động vật cư ngụ trong hang và lấy phân dơi đem bán.
Ông Nguyễn Văn Trạng (55 tuổi, ngụ xã Phú Tân), người có 2 hang dơi nằm trên diện tích đất của gia đình, cho biết hiện nay thịt dơi đã trở thành món đặc sản. Chính vì bị bắt thường xuyên nên nhiều đàn dơi đã chọn cách chuyển đến các hang động ở những địa phương khác sinh sống.
Việc thu gom phân dơi tràn lan cũng dần phá vỡ môi trường sống của loài dơi khi có sự can thiệp của bàn tay con người. Ông Trạng lo sợ, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, các cơ quan chức năng không can thiệp thì một lúc nào đó hang dơi sẽ không còn loài dơi cư ngụ.
Theo Đồng Nai online