Đội tuyển VN dừng bước ở vòng 1/8 và cách dạy trẻ chấp nhận thua
Nhận một bàn thua trước đội tuyển Nhật Bản khiến đội tuyển bóng đá Việt Nam phải dừng bước tại vòng tứ kết Asian Cup 2019 khiến nhiều người hâm mộ tiếc nuối.
Liên hệ giữa bóng đá và dạy con, mới thấy việc chúng ta dũng cảm chấp nhận "thua" cũng là cách mà chúng ta lớn lên sau mỗi thất bại.
Tôi từng gặp không ít bà mẹ òa khóc khi con bị cô giáo đuổi ra khỏi đội danh dự của trường hay bị trượt trong kì thi hát, vẽ.... gì đó. Tôi cũng gặp không ít lời than thở khi bố mẹ bị cô giáo chê bai con thẳng thừng vào mặt. Nhiều bé về bị ăn đòn. Nhiều bố mẹ lại nói xấu giáo viên ngay trước mặt con vì...... tức quá.
Thậm chí tôi đã từng gặp những đứa trẻ bỏ nhà chỉ vì bị bố mẹ mắng chửi vì không vào được trường cấp 3 như ý. Trên thực tế, trước hoặc sau mỗi mùa thi, đâu đó trên báo chí, mạng xã hội lại có những dòng tin về những học trò …tự tử. Và nguyên nhân chính đều do trẻ gặp áp lực trong học tập, vì sự kỳ vọng của bố mẹ quá nhiều vào sự đỗ đạt của con cũng vô tình là “kẻ thù” cướp đi sinh mạng trẻ.
Rõ ràng, ai cũng từng có những thất bại trong cuộc đời. Vậy, có nên có thất bại, hay chỉ cần thành công?. Ai cũng nói, thất bại là mẹ thành công. Vậy có thật là mẹ thành công?. Nếu không biết rút kinh nghiệm cho lần thất bại đó, thì thất bại sẽ chỉ là mẹ thất bại và còn kéo theo một vài tính xấu nữa như là: bao biện.
Vì thế, dạy con đối mặt với thất bại sẽ giúp con dũng cảm nhìn nhận mọi việc, đánh giá chính xác khách quan và từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Bản thân tôi là người không có đặc điểm gì nổi trội, tính tình yếu đuối, hay khóc, hèn nhát. Nhưng một vài lần dũng cảm rút kinh nghiệm tớ cũng đã bắt đầu đón nhận thành công.
Như vậy để có thể thành công, chúng ta không thể quên được tác dụng của những lần thất bại. Và khi con thất bại, cha mẹ phải làm gì. Sau đây là những lưu ý mà cha mẹ cần làm khi con gặp chuyện gì đó.
1. An ủi con khi con gặp thất bại. Lúc này, xỉ vả con chẳng có giá trị gì. Chuyện gì đến thì cũng đã đến. Hãy bình tình an ủi con để con đỡ buồn.
2. Sau khi con đỡ buồn, hãy đưa con mảnh giấy ghi dòng chữ:
Để không thất bại, con phải......................
Nếu con....................... thì con sẽ thành công.
Nếu con................................ thì con sẽ thất bại.
Các cha mẹ yêu cầu con điền vào những chỗ trống trong các câu đó. Con sẽ tự nhìn nhận ra mọi chuyện.
3. Tuyệt đối không nêu các lý do khách quan
Khi cha mẹ nói về các lý do khách quan, con sẽ học theo rất nhanh và thấy mình không sai gì cả, chẳng qua là không may. Như vậy, con sẽ nhanh chóng hình thành tính bao biện.
4. Phạt con thật nặng nếu con bao biện
Khi con thất bại, cha mẹ không cần phạt vì điều đó cũng là 1 đòn giáng vào con rồi. Tuy nhiên, nếu như con không dũng cảm nhìn nhận mọi việc thì phải phạt thôi. Một hình phạt nào đó sẽ khiến con hiểu ra rất nhiều điều.
5. Cho con trả giá
Ngày con gái tôi đang học hát trên cung thiếu nhi Hà Nội, con học rất tốt, thầy giáo rất khen. Nhưng vì nhà xa, lại học ngay sau khi đi học ở trường về, con mệt. Vì thế, con đề nghị được nghỉ học. Tôi đồng ý với 1 lời nhắc nhở nhỏ:"Mẹ sẽ không bao giờ cho con học hát nữa đâu nhé" (Cơ hội chỉ có 1 lần). Dĩ nhiên, để được nghỉ, con gật đầu.
Sau lần thất bại khi tuyển đội văn nghệ của trường (lúc này con đã chuyển đến trường Hoàng Diệu để học), con không trúng tuyển, con đã xin tôi cho đi học hát lại vì cô tổng phụ trách phê: Con hát bị phô. Dĩ nhiên, cái con nhận được là sự từ chối của mẹ. Con khóc cực kì cay đắng nhưng đành chịu vì đã chót đồng ý không học hát nữa. Chính vì điều này, giờ con học đàn piano rất chăm chỉ vì sợ mẹ thấy lười học, bắt nghỉ luôn.
Vậy đó bố mẹ, thất bại là bài học rất tốt cho con trẻ nếu như bố mẹ biết cách xử lý.
Đừng trách mắng con, nó đã đủ đau khổ lắm rồi, hãy an ủi. Hãy giúp con nhận ra sai lầm của mình. Tôi hi vọng bài viết này có ích cho mọi cha mẹ khi biết tin con mình thất bại ở việc gì đó.