Đội tuyển Việt Nam và nhiệm vụ phải thắng Thái Lan: Từng thắng, nhưng khó...
ĐT Việt Nam (áo sáng) sẽ có được chiến thắng thứ 3 trước Thái Lan? Ảnh: V.S.I
Không phải là đội bóng cùng khu vực có số lần đối đầu nhiều nhất nhưng ĐT Thái Lan thì luôn là đối thủ số 1 của bóng đá Việt Nam trên tất cả các cấp độ đội tuyển, kể cả nam hay nữ. Đơn giản, đây vẫn cứ vật cản lớn nhất trên mọi con đường dẫn tới ngôi Vương và vì thế, mỗi trận đấu, mỗi chiến thắng trước người Thái luôn có một ý nghĩa thật đặc biệt...
Từng thắng...
Theo con số thống kê chính thức từ FIFA, đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội tuyển quốc gia Thái Lan đã có 17 cuộc đối đầu chính thức kể từ trận đấu vòng bảng SEA Games 18 ở Chiang Mai (Thái Lan) năm 1995 tới trước trận đấu trong khuôn khổ vòng loại bảng A AFF Cup 2012 tới đây. Dĩ nhiên, ưu thế đang nghiêng hẳn về người Thái với 11 trận thắng, 4 hòa. Chính vì lẽ thế, 2 trận thắng chính thức của ĐT Việt Nam trở nên đáng nhớ hơn và đặc biệt, cả 2 trận đấu ấy đều nằm trong khuôn khổ giải vô địch Đông Nam Á.
Lần đầu vào năm 1998, hơn 3 vạn khán giả có mặt trên sân Hàng Đẫy cùng hàng triệu trái tim Việt đã cùng bùng nổ khi ĐT Việt Nam đánh bại Thái Lan khi ấy là ĐKVĐ với tỷ số 3-0 bằng những pha lập công của Việt Hoàng, Hồng Sơn, Sỹ Hùng. Một chiến thắng đậm đà nằm ngoài bất cứ dự báo chuyên môn nào. Tiếc là năm đó, cái lưng của hậu vệ Sasi Kumar đã khiến ĐT Việt Nam đành lỗi hẹn với chiếc Cúp Vàng mong đợi. Chiếc Cúp Vàng mà tới nay vẫn còn là nỗi nghi hoặc chưa hề có lời giải.
Tròn 10 năm sau, giải vô địch Đông Nam Á đã chuyển thành AFF Cup, ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan lại gặp nhau ở vòng bán kết lúc này thi đấu theo thể thức sân nhà, sân khách. Trận lượt đi chính trên sân Rajamangala, ĐT Việt Nam khi ấy được dẫn dắt bởi Calisto đã gây cú sốc lớn khi đánh bại đội chủ nhà chỉ trong 4 phút với 2 bàn thắng của Vũ Phong và Công Vinh. Hòa 1-1 trong trận lượt về tại Mỹ Đình, ĐT Việt Nam lần đầu bước lên ngôi vô địch.
Xét một cách toàn diện, bóng đá Thái vẫn nhỉnh hơn không chỉ so với bóng đá Việt Nam mà với cả làng cầu khu vực. Nhưng trong từng thời điểm, nếu chơi với khả năng tốt nhất cùng quyết tâm cao nhất, kèm theo sự tự tin cần thiết, ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể đánh bại được "ông kẹ" Thái Lan. AFF Cup 2012 cũng chẳng là ngoại lệ, nhưng...
... Khó thắng!
Ở 2 trận cầu đáng nhớ nói trên, nguyên nhân chung làm nên chiến thắng như đã đề cập, đó là 1 ĐT Việt Nam tốt nhất cả về nhân sự cũng như lối chơi. ĐT Việt Nam 1998 là thời đỉnh cao của thế hệ Vàng thứ nhất, cùng dấu ấn của ông thày ngoại mới Alfred Riedl trên băng ghế huấn luyện và quyết tâm chinh phục đỉnh cao khu vực ngay trên sân nhà. Còn ĐT Việt Nam 2008 là đúng độ chín của những Công Vinh, Hồng Sơn, Vũ Phong, Minh Phương, Tài Em... thế hệ Vàng được xem là thứ 2. Đặc biệt, chức vô địch AFF Cup này còn ghi công lớn của Calisto, ông thầy người Bồ được mệnh danh là "phù thủy" với khả năng ứng biến cực cao của mình trong từng trận đấu, từng thời điểm, từng đối thủ.
Nhìn vào 2 đội tuyển ấy, 2 chiến thắng ấy mới thấy hết cái khó của ĐT Việt Nam hôm nay có thể hy vọng tìm kiếm chiến thắng trước người Thái, ngay trên sân Thái. Hai trận đấu trước, chúng ta quyết thắng, nhưng không hề rơi vào cái thế phải thắng để "cứu" chính mình như lúc này. Đội tuyển hôm nay cũng không có được lực lượng tốt nhất không chỉ so với những đội tuyển 1998, 2008, mà còn vì không ít những gương mặt vẫn, đang chơi tốt nhưng bị bỏ sót lại. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, một ĐTQG lại được dẫn dắt bởi một HLV trong nước với kỳ vọng phát huy nguồn nội lực, tiếc là ở 2 trận đấu mở màn thất vọng, HLVPhan Thanh Hùng lại tỏ ra bất lực.
Phải thắng mới hy vọng giành quyền đi tiếp nhưng quả thật trong bối cảnh xuống dốc cả tinh thần lẫn chuyên môn và lực lượng này, ĐT Việt Nam khó thắng.