Pitbull - chó chọi nguy hiểm cắn chết nhiều người, có cấm nuôi?
Vài năm gần đây, có không ít trường hợp người dân bị chó tấn công, cắn chết tại chỗ. Nhiều người đã vô cùng phẫn nộ, cho rằng phải xử lý thích đáng người chủ nuôi và phải cấm nuôi các loại chó chọi nguy hiểm
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề nêu trên, luật sư Nguyễn Quang Trung – (Công ty Luật TNHH Việt Tâm – Hà Nội), nêu quan điểm: “Pitbull thuộc loại chó chọi là động vật nguy hiểm chứ không như chó ta, chó cảnh dễ nghe theo chủ, dễ quản lý.
Việc nuôi nó đúng ra phải có quy định riêng dành cho động vật nguy hiểm, khi nuôi phải có điều kiện (như một số người nuôi rắn, trăn, cá sấu...). Do đó, có thể không cấm nhưng cần phải có chế định rõ ràng về việc đăng ký nuôi, quản lý những động vật nguy hiểm.
Điều này nhằm kiểm soát chặt chẽ số lượng, cũng như việc quản lý, nuôi dưỡng các giống động vật nguy hiểm cao.
Hiện chó chịu pitbull bị cấm nuôi ở gần 40 quốc gia hoặc một địa phận lãnh thổ của quốc gia, trong đó có nhiều nước châu Âu.
Theo luật sư, tại Việt Nam, thông tư số 07/2016 của Bộ NN-PTNT ban hành ngày 31-5-2016 có quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh dại đã rất rõ và cụ thể.
Pitbull thuộc loại chó chọi là động vật nguy hiểm cắn chết người, có nên cấm nuôi? Ảnh minh họa. |
Vì vậy, người chủ vật nuôi có trách nhiệm phải đăng ký nuôi vật nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư, bảo đảm việc nuôi chó phải an toàn, vệ sinh, chấp hành đúng đủ các quy định liên quan đến sức khỏe vật nuôi, không gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, tự chịu trách nhiệm với những vấn đề phát sinh do vật nuôi gây ra …
Tuy nhiên, đây mới chỉ là vấn đề quy định. Việc thả rông chó mà không có bất cứ biện pháp quản lý nào, không rọ mõm cho chó khiến chúng gây nguy hiểm cho người đi đường là tình trạng rất phổ biến hiện nay”.
Ngoài ra, nam luật sư cũng phân tích: “Việc để chó cắn chết người, chủ vật nuôi tùy theo các trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu theo điều 295, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật sư Nguyễn Quang Trung trao đổi với PV Infonet về vụ việc. |
Theo đó, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
Cụ thể là làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Còn phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm chết 02 người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%, gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
Tiếp đến phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm: Làm chết 03 người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên, gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng có thể bị cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Còn trường hợp người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Ngoài ra, chủ vật nuôi sẽ phải bồi thường cho người bị hại theo quy định taị điều 591, Bộ Luật dân sự 2015: Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này. Đó là chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định.
Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Quang Trung cũng chia sẻ: “Quy định của pháp luật là vậy, tuy nhiên việc truy cứu trách nhiệm Hình sự cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự hiện nay cũng còn vướng phải rất nhiều khó khăn.
Liên quan đến vấn đề chứng minh tội phạm trong lĩnh vực này, có nhiều trường hợp bị chó cắn nhưng bị hại không thể chứng minh được vết cắn của mình là do chó của ai gây nên, không thu thập được đủ chứng cứ để yêu cầu chủ vật nuôi chịu trách nhiệm.
Do đó, nhân chứng là một phần vô cùng quan trọng để xác định trách nhiệm của người chủ vật nuôi.
Bên cạnh đó, đối với việc thả rông chó, trường hợp người đi đường không may đâm chết chó thả rông, phải căn cứ vào việc không xích, giữ chó để gây nguy hại cho người tham gia giao thông để xem xét yếu tố lỗi.
Điều này phụ thuộc vào lỗi của người quản lý, chủ vật nuôi vì theo quy định của pháp luật, không được thả rông chó tại khu vực đường giao thông gây nguy hiểm cho việc tham gia giao thông của người đi đường”.
Tiến Anh