Hà Nội: Phun đủ thứ thuốc, sâu không chết, cánh đồng rau bạc trắng
Hàng trăm hecta rau ở Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội đã làm đủ mọi cách, phun đủ thứ thuốc mà sâu không chết, cả cánh đồng biến màu bạc trắng vì sâu tàn phá, chỉ còn cọng rau xơ xác dưới nắng thiêu đốt
Anh Nguyễn Hữu Đô (xóm 4, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) có gần 2 mẫu ruộng đang trồng rau ăn lá, nhưng do dịch sâu tơ hoành hành, hơn 1 mẫu rau xác định mất trắng, ước tính thiệt hại hàng chục triệu đồng.
"Chúng tôi cũng đã làm đủ mọi cách, phun đủ thứ thuốc theo khuyến cáo tuy nhiên cũng không có hiệu quả, sâu không những không chết mà còn nhiều hơn trước', anh Đô nói.
Thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) là vùng chuyên canh rau, cung cấp rau sạch cho khu vực nội thành Hà Nội, đa phần trồng củ cải. Diện tích trồng rau ở cả thôn khoảng 200ha, trong đó có hơn 100ha được Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
![]() |
Hàng trăm hecta rau của người dân bị dịch sâu tơ tàn phá. |
Những năm trước đây, khi đến thôn Đông Cao vào thời điểm tháng 5 - tháng 6, sẽ thấy bạt ngàn các ruộng rau xanh ngắt, người dân tấp nập trong mùa thu hoạch. Năm nay, do dịch sâu tơ hoành hành, những lá rau bị sâu ăn mòn, lá cây xanh tốt chuyển màu bạc trắng như bị cháy. Những ruộng rau ngút ngàn hàng chục, hàng trăm hecta bị sâu nặng, đành phải bỏ hoang, không thu hoạch được.
![]() |
Sâu tơ bám đầy trên lá cây củ cải. |
![]() |
Anh Đô bên những luống củ cải bạc trắng vì bị sâu tơ hủy hoại. |
Được biết, vào mùa này hằng năm, giá củ cải dao động từ 8000-10.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg. Trong đợt dịch sâu tơ tàn phá, người dân đã phải bỏ đi phần lớn số rau, một số hộ cố gắng vớt vát thu hoạch thì giá cũng chỉ được khoảng 2.000-3.000 đồng/kg vì rau xấu.
Ông Phạm Thành Đô – Trưởng phòng kinh tế huyện Mê Linh (Hà Nội) thông tin: “Trước đây, sâu tơ chỉ phát triển vào mùa thu hay mùa xuân, nhưng do năm nay thời tiết thay đổi khiến cho sâu tơ ăn lá phát triển vào những ngày hè nắng nóng, mưa nhiều, chúng ăn hết các chất diệp lục trên lá làm trắng cả cánh đồng rau.
Thời điểm này là cuối vụ củ cải, nắng nóng quá nên nhu cầu sử dụng loại rau này cũng giảm, giá thành bán ra cũng rẻ hơn. Giá rẻ mà rau lại sâu bệnh nặng, người dân chán không "tha thiết" gì chuyện chăm sóc rau nữa. Vừa qua có một số hộ sau khi bỏ ruộng đã dùng một số thuốc thử nghiệm trên rau để diệt sâu. Những ruộng rau đó đã bị trắng do sâu ăn lá từ trước chứ không phải do dùng thử thuốc mới”.
“Không có việc sử dụng thuốc phun khiến cho rau trắng lá” – ông Đô khẳng định.
![]() |
![]() |
Sâu tơ đã ăn hết các chất diệp lục trên lá làm trắng cả cánh đồng rau. |
![]() |
Ruộng đồng không được chăm sóc, củ cải không thể phát triển. |
![]() |
Những năm trước, mỗi sào rau cải các loại có thể cho sản lượng từ 800kg đến 1 tấn rau. |
![]() |
Sâu tơ bao kích thước nhỏ nhưng sức tàn phá khủng khiếp. Trên cánh đồng trồng rau cải không còn cây lá nào nguyên vẹn. |
Ông Vũ Văn Kỳ - Giám đốc HTX dịch vụ Tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho hay: Khoảng 60-70% diện tích ruộng rau đang bị sâu ăn lá. Các năm trước cũng đã có hiện tượng sâu ăn lá nhưng đến năm nay bị nặng nhất. Hiện tại, chúng tôi đang khuyến cáo người dân vệ sinh đồng ruộng… để chuẩn bị vụ mùa mới vào tháng 8 này. Thông thường mỗi vụ trồng rau ăn lá chỉ mất khoảng 1 tháng là thu hoạch được, còn đối với củ cải sẽ có thời gian 2 tháng. Mỗi năm, cứ đến mùa hè nắng nóng thì người dân sẽ cho đất nghỉ hoặc trồng các cây đặc thù khác như dưa leo, bí leo, chứ không thể trồng rau được".
Hoàng Bé – Bảo Khánh