Ngày 31/1 đón nhận bằng của UNESCO ghi danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
Một làn điệu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được thể hiện trong buổi họp báo (ảnh: TH) |
Theo đó, lễ “Vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” sẽ được tổ chức vào đêm 31/1/2015 tại Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ TP.Vinh (Nghệ An), do hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp cùng tổ chức. Nhằm mục đích tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.
Lễ đón nhận vào đêm 31/1 tới đây sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ giá trị của di sản Dân ca, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Buổi lễ sẽ được tổ chức trang trọng, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và bạn bè Quốc tế.
Buổi họp báo tại TP.Vinh (Nghệ An) vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (ảnh: TH) |
Lễ vinh danh sẽ được chia làm hai phần. Phần một: lễ đón bằng (đại điện UNSECO trao); Phần hai: chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Về miền Ví, Giặm” nhằm mang đến cho khán giả cả nước (truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV4, NTV, HTV…) những hiểu biết rõ nét hơn về giá trị độc đáo của loại hình di sản này. Bên cạnh đó còn có các hoạt động chào mừng sự kiện: giao lưu với các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian, các nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Tại các huyện, thành, thị sẽ thực hành di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như: biểu diễn văn nghệ của các Câu lạc bộ dân ca lồng trong Chương trình lễ hội đầu xuân để phục vụ nhân dân và du khách.
Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, đi củi, trèo non. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè, Giặm Cửa quyền, Giặm Đức Sơn…
Dân ca Ví, Giặm không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.