Độc đáo phiên chợ Tam Quan
Mặt hàng tại phiên chợ Tam Quan. |
Sở dĩ có tên gọi chợ Tam Quan vì chợ được mở ngay tại sân chùa làng Vân (chùa Diên Phúc). Văn bia chùa Diên Phúc, niên hiệu Khánh Đức thứ ba (1652) cho biết sự ra đời của chợ Vân như sau: "Quan viên tướng thần trong xã An Viên, huyện Việt Yên, phủ Bắc Hà có trách nhiệm đứng lên mua vườn đất của mọi người trong làng.
Các gia đình hảo tâm công đức để mở chợ mới, gọi là chợ Tam Bảo, ngày nào cũng mở nhưng phải giữ đúng thuần phong mỹ tục, thuận mua vừa bán, nếu người nào điên đảo vì lợi riêng, lấy tài vật của người đến bán ở chợ thì phải chịu sự trừng phạt với trời đất và thần thánh....".
Cũng theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nhân dịp Tam Quan chùa Diên Phúc hoàn thành xây dựng, dân làng vui mừng mở phiên chợ vào ngày 25 tháng Chạp. Từ đó trở thành thông lệ, cứ đến ngày này, chợ Tam Quan lại được mở ở sân chùa, dân làng cũng như bà con các vùng xung quanh muốn mua bán tại đây phải đến nhận chỗ bán từ chiều hôm trước.
Phiên chợ Tam Quan hiện vẫn được người dân làng Vân duy trì vào một ngày duy nhất trong năm (dịp giáp Tết Nguyên đán) tại chùa Diên Phúc với những nét văn hóa độc đáo. Mọi người đến chợ bên cạnh để giới thiệu những sản phẩm làng nghề, mua những thứ hàng cần thiết chuẩn bị cho ngày Tết, đồng thời còn mong muốn tìm cho mình niềm vui, may mắn, thuận lợi trong dịp xuân mới.
Tại đây, có thể bắt gặp phổ biến các sản phẩm làng nghề lân cận trong đó có đa dạng các sản phẩm của người dân làng nghề mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên). Điều đáng nói là, ngoài cấm bán những mặt hàng "uế tạp, hôi hám", phiên chợ cũng không có những âm thanh hỗn độn, chao chát, cãi cọ như những phiên chợ khác, mọi người thuận mua, vừa bán, không có sự tranh giành, chộp giật.Nếu trong chùa, không gian trầm mặc, thiêng liêng nghi ngút khói hương, tiếng tụng kinh, gõ mõ cúng Phật của nhà sư thì ở ngoài sân, người mua bán cũng đông vui, nhộn nhịp. Điều đặc biệt, bởi không gian họp chợ tại nơi linh thiêng nên quy định các mặt hàng được phép bán tại phiên chợ cấm những thứ "sát sinh, hôi hám" như: Gia súc, gia cầm, thịt, cá, tôm, nước mắm, mắm tôm... Mặt hàng được bán chủ yếu là vật dụng trong gia đình như: Giần, sàng, nong, nia, rổ, rá, dao, thớt, cuốc, xẻng...
Vi Thị Tỉnh/Báo Bắc Giang