Doanh nghiệp muốn đối thoại với 2 Bộ về quy định phòng cháy
LỜI TOÀ SOẠN Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy đang khiến nhiều doanh nghiệp mắc kẹt. Nhiều công trình đầu tư vốn lớn ngưng trệ vì chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy vướng ở chỗ chính doanh nghiệp cũng không biết phải đáp ứng như thế nào. VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh thực tế này trên nhiều địa phương cũng như ý kiến từ cơ quan quản lý xung quanh vấn đề này. |
Đà Nẵng: Mong được đối thoại để đỡ hoang mang
Trao đổi với PV, bà H.M.P. - chủ hai khách sạn 4 sao ở TP. Đà Nẵng, chia sẻ, bà đã đọc được thông tin trên VietNamNet về việc Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) lên tiếng về quy chuẩn phòng cháy chữa cháy mới. Tuy nhiên, bà vẫn chưa thấy có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện.
Theo bà P., quy trình PCCC của doanh nghiệp ở các lĩnh vực như cơ sở lưu trú, nhà xưởng sản xuất, công ty,... đều không giống nhau. Lực lượng chức năng cần có quy định, hướng dẫn PCCC riêng để doanh nghiệp nắm và thực hiện, không thể áp theo một quy định chung đối với tất cả doanh nghiệp.
“Như doanh nghiệp lưu trú, các khách sạn có quy mô riêng thì cần có hướng dẫn. Nếu một quy định mà áp chung cho tất cả các doanh nghiệp như hiện nay thì vô tình sẽ gây khó khăn và chẳng đơn vị nào đảm bảo triển khai được. Nhiều doanh nghiệp lưu trú ở Đà Nẵng đang rất hoang mang vì quy định PCCC mới”, vị này chia sẻ.
Trước những khó khăn doanh nghiệp gặp phải, bà P. kiến nghị cần sớm có cuộc đối thoại trực tiếp giữa Cục Cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), Bộ Xây dựng và doanh nghiệp để tháo gỡ các vấn đề còn vướng.
“Các bộ cần tổ chức đối thoại trực tiếp để nghe những khúc mắc, khó khăn của doanh nghiệp về quy định mới về PCCC, vấn đề gì cấp thiết nhất vào thời điểm này cần tháo gỡ ngay để DN yên tâm kinh doanh”, bà P. kiến nghị.
Trong khi đó, ông T., đại diện doanh nghiệp ở KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, phản ánh, việc cơ quan chức năng ban hành các quy chuẩn PCCC mới chỉ trong thời gian ngắn khiến doanh nghiệp không thể theo kịp.
“Một văn bản ban hành ít nhất phải có khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp, nhà thầu nắm bắt thông tin, chứ thay đổi liên tục thì đúng thật là làm khó. Bản thân chúng tôi không phải ngày nào cũng cập nhật từng quy định”, vị này cho hay.
Ông T. mong rằng, Cục PCCC & Cứu nạn cứu hộ và Bộ Xây dựng cần có kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc về PCCC, từ đó nắm bắt, đưa ra quy định phù hợp để doanh nghiệp có thể thực hiện.
Nghệ An: Rao bán cả quán karaoke
Trước những thay đổi về tiêu chuẩn PCCC trong kinh doanh karaoke, ghi nhận của PV. VietNamNet cho thấy, các quán karaoke, bar tại TP. Vinh và nhiều huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang phải dừng hoạt động vì không đáp ứng được.
Sau nhiều tháng đóng cửa, mới đây, anh Hoàng Đức Sơn - chủ quán karaoke New Land, 77 Lê Lợi (TP. Vinh) - buộc phải đăng tải dòng trạng thái: “Cần thanh lý: Do quy định mới về PCCC phòng hát karaoke phải dùng vật liệu không cháy hoặc khó cháy nên quán tôi không đủ quy chuẩn để được phép hoạt động. Vậy tôi cần thanh lý toàn bộ âm thanh, bàn ghế, điều hoà, tivi... chất lượng 70%”,.
Theo anh Sơn, tình hình kinh doanh karaoke mấy năm qua đã rất khó khăn do dịch bệnh, trong khi quy định PCCC mới yêu cầu nội thất phải làm bằng vật liệu không cháy thì ngay cả cái ghế cũng dễ cháy.
“Áp lực vay vốn ngân hàng, trả nợ thuê mặt bằng là rất lớn. Để chờ có chính sách phù hợp, cho phép mở cửa trở lại thì chưa biết đến bao giờ. Đồ điện tử, vật liệu và nội thất để lâu sẽ hư hại nên tôi phải bán đi, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Không chỉ tôi mà nhiều doanh nghiệp khác cũng thiệt hại rất nặng nề, lên tới nhiều tỷ đồng”, anh nói.
Ở quán anh Sơn, dàn âm thanh đầu tư cho một phòng lên tới hàng trăm triệu đồng, mấy ngày qua nhiều người gọi hỏi mua nhưng trả giá rất bèo bọt. Trong khi thiết bị âm thanh, ánh sáng, đồ điện,... để khoảng 6 tháng không sử dụng là hỏng hết.
Quán đóng cửa, nhân viên thì thất nghiệp, làm shipper,... vất vả mưu sinh kiếm sống. Nhiều người phải bỏ về quê.
Anh Lê Tuấn Anh (SN 1986), quê ở xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, (Nghệ An), chia sẻ, hai vợ chồng xuống thành phố thuê nhà trọ tại phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) để lập nghiệp. Cả hai cùng làm trong ngành dịch vụ 6 năm qua và nuôi 2 con nhỏ (5 tuổi và 3 tuổi).
Tuy nhiên, Tuấn Anh trải lòng: "Mấy tháng nghỉ việc em xin làm shipper, nhưng do người làm đông, mỗi ngày em chỉ chạy được khoảng 10 đơn và thu nhập gần 200.000 đồng. Vợ em đi làm tạp vụ, dọn dẹp nhà cửa. Cả hai thu nhập không ổn định và cuộc sống vô cùng eo hẹp”.
Còn Trần Thanh Bình (SN 1987), quê ở Cần Giờ (TP.HCM) trước làm việc tại một quán karaoke trên địa bàn TP. Vinh nhưng đã thất nghiệp nhiều tháng qua, vì quán karaoke, bar dừng hoạt động do quy định mới về PCCC.
“Hai năm dịch bệnh quán đã phải đóng cửa, mới mở được mấy tháng nay lại phải tạm dừng. Cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn, thu nhập không ổn định để trang trải sinh hoạt, nhất là 2 con đang đi học”, anh Bình tâm sự.
Theo anh Bình, không chỉ gia đình anh mà nhiều anh em khác cùng làm trong ngành karaoke, không biết làm gì để có thu nhập, nhiều người đã phải về quê.
Hồ Giáp - Quốc Huy