Công an TP.HCM hướng dẫn gỡ khó trong thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy
Văn bản do Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM ký nêu rõ: Đối với công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC, các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh; không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, bảo đảm theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, doanh nghiệp và vẫn đảm bảo theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC.
Đối với công tác nghiệm thu, được nghiệm thu từng phần để hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm đưa công trình vào sử dụng phù hợp với tiến độ, giai đoạn đầu tư. Cần hướng dẫn chủ đầu tư các giải pháp, yêu cầu để được nghiệm thu từng phần, theo nguyên tắc, nội dung đã được thẩm duyệt thiết kế và có thể hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các hạng mục công trình đang tiếp tục thi công.
Đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy nhưng chưa được kiểm định, có thể cho phép thi công bổ sung bằng lớp sơn chống cháy hoặc thay thế lớp sơn chống cháy đã thi công bằng lớp sơn chống cháy khác bảo đảm chất lượng, đã có kiểm định mẫu để bảo đảm giới hạn chịu lửa; sử dụng các giải pháp bổ sung, thay thế như các dự án, công trình chưa thực hiện thi công sơn chống cháy…
Trước đó, như VietNamNet đã phản ánh, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội cho biết, họ gặp khó do không biết cải tạo theo hướng nào, cải tạo theo quy định cụ thể ra sao để cơ sở đủ điều kiện thẩm duyệt và được hoạt động trở lại.
Đối với khối doanh nghiệp, Chi hội Thương mại Đài Loan (Trung Quốc) tại Đồng Nai, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) từng có các văn bản liên quan, đề cập những tồn tại trong quy chuẩn PCCC hiện hành, gây trở ngại tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tại thời điểm cuối năm 2022, có ít nhất 18 dự án với tổng giá trị 3.097 tỷ đồng của các doanh nghiệp Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi quy định PCCC. Doanh nghiệp xây dựng thì không thể bàn giao công trình đã hoàn thiện; các nhà máy, kho hàng của chủ đầu tư là doanh nghiệp sản xuất, vận tải của Nhật Bản cũng không thể đi vào hoạt động, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, theo JCCI.
Trần Chung