Đoàn học sinh kiều bào tại Đài Loan đến làng cổ Bát Tràng
Làng cổ Bát Tràng là làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử hơn 500 năm từ xa xưa, với công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính. Để tạo ra các sản phẩm gốm, các nghệ nhân phải ngâm đất sét khoảng 3-4 tháng để loại bỏ tạp chất, sau đó dùng đất sét để tạo hình cho sản phẩm rồi đem "ủ vóc" và sửa lại hình dáng cho hoàn chỉnh.
Các em hào hứng thực hiện các công đoạn làm gốm |
Tiếp theo, sản phẩm được đem phơi, sấy trong lò sấy để tránh cong, vênh, nứt, vỡ rồi trang trí hoa văn. Người thợ dùng bút lông vẽ trực tiếp lên sản phẩm các hoa văn họa tiết sao cho hài hòa với dáng gốm. Khi đã hoàn chỉnh, sản phẩm phải được làm sạch bụi bằng chổi lông rồi đem nung qua ở nhiệt độ thấp, sau đó tráng men và nung trong lò theo nguyên tắc nâng dần nhiệt độ và khi gốm chín thì lại hạ dần nhiệt độ.
Sản phẩm gốm Bát Tràng có nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại, được chia thành các nhóm theo chức năng sử dụng như: gốm gia dụng, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng và gốm trang trí. Gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Đến với làng cổ Bát Tràng, sau khi được nghe giới thiệu về cách làm gốm, các em đều không khỏi ngạc nhiên và hào hứng, khi chính mình được trải nghiệm thực tế, tự tay nhào đất, tô vẽ cho những công đoạn cuối cùng khi gốm được sấy xong. Em Nương Vân Miên, 14 tuổi, học sinh Trường cấp 2 Quang Hoa cho biết: ”Quá tuyệt vời, đó là cảm xúc lúc này của em khi tham gia chương trình, đến với mỗi địa danh, em đều có những ấn tượng thật khó tả, em nghĩ nó mãi sẽ là những kỷ niệm thật đáng nhớ trong thời học sinh của mình. Cám ơn ban tổ chức đã cho chúng em cơ hội được trở về quê hương, cùng tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm qua các hoạt động về với cội nguồn lịch sử, bản sắc dân tộc, đó chính là động lực để chúng em phấn đấu trong học tập, gắn bó, đoàn kết yêu thương nhau, cùng một lòng hướng về quê hương, đất nước”.
Lần đầu tiên được tham dự một hành trình với nhiều điểm đến thú vị: từ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm quan nhà sàn nơi Bác từng sống và làm việc những tháng năm cuối đời, được đi thăm Văn Miếu - Quốc tử giám, trường ĐH đầu tiên của Việt Nam hay đến thăm cố đô Hoa Lư, Đơn Đại Chí, 13 tuổi, học sinh Trường cấp 2 Đại Liêu,Thành phố Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) vừa cầm trên tay sản phẩm tự tay làm ra không giấu nổi tự hào. Em cho biết, muốn lưu giữ sản phẩm này như một dấu ấn trong hành trình trở về quê hương của em.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Uỷ ban) đã có buổi gặp gỡ đoàn. Thông qua buổi tiếp, các thầy cô giáo và các em học sinh chân thành cám ơn sự quan tâm sâu sắc của Uỷ ban đã tổ chức chương trình ý nghĩa này và mong muốn sẽ có nhiều chương trình hơn nữa để con em kiều bào tại Đài Loan có cơ hội về thăm quê hương, giúp cho các em có điều kiện tìm hiểu về ngôn ngữ Tiếng Việt. Đó cũng chính là lợi thế để các em có một tương lai tốt đẹp tại Đài Loan, cũng như bồi đắp thêm tinh thần yêu tiếng Việt, yêu văn hóa dân tộc mình, hướng cho các em luôn tự hào mình là người Việt Nam.
Ngày mai,các em sẽ tiếp tục hành trình tham quan Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội để cùng cảm nhận những nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến và tới thăm, giao lưu với học sinh trường tiểu học & Trung học cơ sở Ngôi Sao Hà Nội.
Chương trình của đoàn học sinh con em kiều bào tại Đài Loan về thăm quê hương được triển khai trên cơ sở hợp tác giáo dục Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) trong khuôn khổ thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt cho con em các gia đình Đài Việt được Bộ giáo dục Đài Loan và Bộ giáo dục Việt Nam thống nhất triển khai trên toàn hệ thống giáo dục Đài Loan bắt đầu từ năm 2019 nhằm phổ cập việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Đài Loan, gắn kết tình yêu quê hương, đất nước.