DNNN “uể oải" thoái vốn khỏi ngân hàng, bảo hiểm
Chiều 26/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong quý I năm nay.
DNNN thoái vốn khỏi ngân hàng chỉ bằng 1/5 bất động sản
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong kế hoạch năm 2015 số doanh nghiệp (DN) cần phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) là 289 DN. Đến ngày 24/3/2015, cả 289 DN nói trên đã thành lập xong ban chỉ đạo CPH. Việc thoái vốn DNNN cũng được đẩy nhanh. Số vốn DNNN đã được thoái lên tới trên 4.937 tỷ đồng, thu về 6.987 tỷ đồng, bằng 1,42 lần giá trị sổ sách.
Trong đó, lĩnh vực bất động sản đạt kết quả cao nhất, đã thoái 2.690 tỷ đồng, thu về 3.177 tỷ đồng, chiếm 45% tổng giá trị thu về thoái vốn. Lĩnh vực bảo hiểm, tài chính ngân hàng thoái được 613 tỷ đồng, thu về 622 tỷ đồng.
Việc thoái vốn Nhà nước ra khỏi lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn chậm |
Một số tập đoàn thực hiện thoái vốn đạt kết quả cao như: Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) thoái được 2.655 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí (PVN) thoái được 307 tỷ đồng….
Hiện đã có 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trình Chính phủ phương án sắp xếp DNNN theo tiêu chí phân loại DN 100% vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều vướng mắc làm chậm quá trình sắp xếp, CPH khối DNNN. Ví dụ như việc xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiềm năng DN, tài sản hết khấu hao, định giá lại các khoản đầu tư tài chính... Ông Nguyễn Văn Tùng cũng cho biết, việc thoái vốn của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn chậm do Ngân hàng Nhà nước chậm có ý kiến và việc bán đấu giá cổ phần theo lô hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn.
Hiện còn tới 10 văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định 118/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới DN của một số bộ: Tài chính, Kế hoạch&Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước...vẫn chưa ban hành nên chưa đủ cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương và DN thực hiện.
“Các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch, chưa tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh, đặc biệt trong CPH, thoái vốn Nhà nước và chưa thật sát sao trong việc chỉ đạo thực hiện”, ông Tùng nói và nhấn mạnh, nhiệm vụ trong 9 tháng tới rất nặng do số lượng DNNN phải CPH năm nay rất lớn nên các bộ, ngành cần phải đẩy nhanh, ban hành các văn bản hướng dẫn việc sắp xếp, CPH các DN trong ngành.
Buộc DNNN niêm yết trên sàn chứng khoán
Số liệu từ Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho thấy, quý I/2015 có 18 DNNN bán đấu giá cổ phần với khối lượng chào bán là 100 triệu cổ phiếu, tỷ lệ số cổ phiếu bán được đạt 40%, với tổng số tiền thu được là 805 tỷ đồng.
Tuy vậy, các DNNN vẫn chưa “mặn mà” đẩy nhanh việc CPH song song với niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
“Cổ phần hóa về tổng thể thì chúng ta không mất mà chỉ làm cho doanh nghiệp mạnh lên. Đều là doanh nghiệp Việt Nam cả và cách chúng ta làm là tạo điều kiện, khuyến khích để người dân làm kinh tế” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu quan điểm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, không chỉ CPH số 289 DN là xong mà các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát bổ sung danh mục các DNNN cần CPH cho giai đoạn 5 năm tới. DN nào đã có ban chỉ đạo thì phải khẩn trương tiến hành xác định giá trị, công bố và tiến hành CPH. DN nào CPH rồi nhưng chưa đạt tỷ lệ như quy định thì tiếp tục bán cổ phần nhằm giảm thấp tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ, và bán toàn bộ cổ phần đối với các DN, các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. “Bắt buộc phải niêm yết khi đủ điều kiện” - Thủ tướng lưu ý việc CPH phải gắn liền với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Để hoàn thành kế hoạch CPH trong năm nay, Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển DN đã đưa ra tiến độ cụ thể yêu cầu các bộ ngành, DN thực hiện.
Những DN có điều kiện thì cần thực hiện IPO ngay sau khi CPH theo quy định. Đơn vị nào chưa có điều kiện thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động...
Đặc biệt, Ban chỉ đạo yêu cầu đề cao trách nhiệm của các cấp ngành trong tái cơ cấu DNNN. Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Thủ tướng nếu không hoàn thành nghiệm vụ, kế hoạch CPH được giao.
Đồng thời, xử lý nghiêm lãnh đạo DN không thực hiện được hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, CPH, thoái vốn Nhà nước và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.