Diva Hồng Nhung sốc nặng trước xác tê giác vừa bị giết
Ngày 13/9, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV Communication) cho hay, trong ngày thứ 5 của chuyến làm việc 10 ngày (kể từ ngày 8/9) tại Nam Phi do ENV cùng hai Tổ chức Rhinose Foundation và Humane Society International (Úc) phối hợp tổ chức, Diva Hồng Nhung cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Vườn quốc gia Kruger, điểm nóng về nạn thảm sát tê giác, nơi mà họ rất có thể sẽ phải chạm trán với những kẻ săn trộm hoặc chứng kiến những cảnh rùng rợn của tê giác vừa bị giết hại.
Máy bay đưa Hồng Nhung tiến vào hiện trường một con tê giác vừa bị sát hại trong Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi) |
Chỉ sau 15 phút di chuyển bằng máy bay trực thăng vào sâu bên trong Vườn quốc gia Kruger, Hồng Nhung đã tận mắt chứng kiến thực tế nghiệt ngã của nạn buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp: xác một con tê giác đã bị những kẻ săn trộm bắn chết, chặt mất sừng và bỏ lại trong bụi rậm. Một cán bộ của đội chống săn trộm cho biết cách thức tàn nhẫn mà bọn săn trộm chặt sừng tê giác: “Chúng chặt sừng ngay cả khi tê giác vẫn còn sống!”.
Cô là người đầu tiên tiếp cận hiện trường. |
“Tôi cảm thấy cực kỳ sốc trước cảnh tê giác bị sát hại dã man và bị chặt mất sừng, những dòng máu đỏ tươi vẫn còn chảy, thấm đẫm vào cát trắng. Đây là một hiện trường tội ác ghê ghớm nhất mà tôi từng chứng kiến trong đời. Trước khi thấy cảnh tượng đau buồn này, tôi đã có cơ hội được nhìn ngắm tê giác trong tự nhiên, uống nước bên bờ suối, có cả tê giác bố mẹ và tê giác con. Có lẽ chỉ hai ngày trước đây thôi thì con tê giác xấu số này vẫn sống bình thường, còn bây giờ thì đã hoàn toàn là một xác chết.
Từng có cơ hội ngắm nhìn tê giác hoang dã ở Nam Phi... |
Bản thân tôi được chứng kiến những cảnh tượng đau lòng đó, nhưng có rất nhiều người Việt Nam không hề biết tới hậu quả của việc mua bán, tiêu thụ sừng tê giác. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm cần phải truyền tải những thông tin chân thực nhất tới công chúng Việt Nam để mọi người có thể hiểu và cảm nhận được sự khốc liệt của nạn thảm sát tê giác này” - Hồng Nhung bày tỏ quan điểm khi cô nhìn xuống con vật không còn sự sống.
nay phải trực tiếp chứng kiến những hình ảnh tàn khốc... |
Xác con tê giác vừa được các cơ quan chức năng của Vườn quốc gia Kruger phát hiện này là cá thể tê giác thứ 758 bị giết hại trong năm 2014 tại Nam Phi. Ông Andrew Paterson, Chủ tịch Tổ chức Rhinose Foundation tại Nam Phi cho biết: “Sừng tê giác có lẽ đang được vận chuyển đến Việt Nam hoặc Trung Quốc để tiêu thụ”.
của một con tê giác vừa bị bọn săn trộm sát hại... |
Ông nhấn mạnh: “Đây là cuộc chiến mà chúng ta phải nỗ lực trên cả hai mặt trận. Nam Phi cần phải ngăn chặn và giải quyết nạn săn trộm tê giác một cách triệt để. Các nước tiêu thụ như Việt Nam cần phải châm dứt nạn tiêu thụ sừng tê giác, nâng cao nhận thức cho cộng đồng để họ biết rằng tiêu thụ sừng tê giác chính là hành động giết chết loài động vật tuyệt vời này và tiếp tay cho mạng lưới tội phạm toàn cầu.”
khiến Diva Hồng Nhung không khỏi sốc nặng. |
Theo bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc điều hành ENV, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong thập kỷ qua. Một bộ phận người giàu có sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp, một bộ phận khác lại mù quáng tin rằng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh, thậm chí là ung thư. Họ không ý thức được rằng hành động của họ có tác động trực tiếp đến sự sống còn của các loài tê giác trên thế giới. Đây cũng chính là lý do khiến ENV đã và đang nỗ lực nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ tê giác.
Khi lên máy bay trở về, cô vẫn đau lòng ngoái nhìn về phía xác con vật xấu số (Ảnh do ENV cung cấp) |
Khi phái đoàn rời khỏi hiện trường tê giác bị thảm sát, từ máy bay trực thăng, Diva Hồng Nhung vẫn đau lòng ngoái nhìn về phía xác con vật. Cô chia sẻ: “Làm sao tôi có thể xóa mờ những hình ảnh này trong tâm trí mình. Những gì đang xảy ra với loài vật này thật sự là một thảm kịch. Cần phải chấm dứt nạn thảm sát này. Chúng ta cần thực hiện trách nhiệm của mình ở Việt Nam, đó là hãy xóa bỏ nhu cầu tiêu thu sừng tê giác ở Việt Nam để không còn cá thể tê giác nào bị giết hại nữa”.
Cứ 8 tiếng lại có một con tế giác bị sát hại để lấy sừng!
Cùng với đến thăm Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi), điểm nóng về nạn thảm sát tê giác, nơi đã mất ít nhất 418 cá thể tê giác từ đầu năm 2014 đến nay, đoàn đại biểu Việt Nam còn gặp và làm việc với các chuyên gia, kiểm lâm và các nhóm bảo tồn tại đây để hiểu rõ hơn về những khó khăn họ gặp phải trong nỗ lực bảo vệ tê giác.
Mục đích của chuyến đi là giúp các đại biểu trực tiếp chứng kiến mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn vong của tê giác tại Nam Phi và tìm hiểu nạn thảm sát tê giác để lấy sừng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để ngay khi trở về, họ sẽ chia sẻ những trải nghiệm của bản thân, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ tê giác, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.
Lực lượng chức năng Nam Phi khám nghiệm tử thi cá thể tê giác vừa bị giết hại (Ảnh do ENV cung cấp) |
Theo thông tin do đại diện Tổ chức Endangered Wildlife Trust (EWT) cập nhật với các đại biểu Việt Nam, niềm tin mù quáng vào tác dụng của sừng tê giác như một loại thần dược để chữa bách bệnh thậm chí cả ung thư, và việc sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp, địa vị, đã khiến nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ngày một gia tăng dẫn đến tình trạng thảm sát tê giác ở Nam Phi.
Trong 40 năm qua, lượng tê giác trên thế giới đã giảm 95%, chỉ còn 25.000 cá thể tê giác trong tự nhiên. Nam Phi là quốc gia sở hữu tới hơn 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu năm 2007 chỉ có 13 con tê giác bị giết hại thì năm 2013 đã tăng lên 1.004 con (tăng gần 8.000%), và chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014 đã có 758 con tê giác bị thảm sát để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam.
Báo chí quốc tế tiếp cận hiện trường tê giác bị giết hại (Ảnh do ENV cung cấp) |
Hiện nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi không có chiều hướng suy giảm mà thậm chí ngày càng khốc liệt hơn. Cứ 8 tiếng lại có một con tê giác bị hạ gục để lấy sừng. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì chỉ trong 6 năm nữa, các loài tê giác trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng. Ở Việt Nam, cá thể tê giác một sừng cuối cùng đã bị giết hại vào năm 2010.
Tham gia đoàn đại biểu Việt Nam qua Nam Phi lần này, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Cục trưởng, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam bày tỏ: “Hải quan Việt Nam mong muốn có sự hợp tác sâu sắc, chặt chẽ hơn nữa với Hải quan Nam Phi trong việc trao đổi thông tin về các đường dây buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia nhằm xử lí triệt để nạn buôn bán sừng tê giác”.