Định danh loài "siêu nhân" hại rau ở Đà Lạt
“Siêu nhân” có tên khoa học là Scutigerella immaculata Newport |
Theo đó, từ năm 2013 đến nay, vùng rau Đà Lạt xuất hiện một đối tượng gây hại lạ trên nhiều loại rau củ được người dân gọi là “siêu nhân”. “Siêu nhân” lúc trưởng thành có trung bình 12 cặp chân (có người còn gọi đây là “rết vườn” vì giống con rết); chiều dài trung bình 5cm, gồm phần đầu, thân và đuôi. “Siêu nhân” ăn các rễ tơ và rễ non của các loại rau; cũng có thể ăn các loại thân và củ (mềm); với mật độ dày, có thể làm cho vườn rau còi cọc, giảm năng suất và chất lượng.
Tại Đà Lạt, “siêu nhân” thường gây hại trên các loại cây trồng bó xôi, cải thảo, cải bẹ, xà lách, dâu tây, khoai tây, cải bắp, đậu cove, cà rốt...; các loại hoa cẩm chướng, đồng tiền...
Từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng và người dân đã tìm mọi cách để tiêu diệt “siêu nhân” nhưng hiệu quả mang lại không cao. Gần đây, do đây là đối tượng gây hại mới, không thuộc các nhóm sâu hại thông thường nên Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã lấy mẫu “siêu nhân” và gửi về Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật để giám định loài gây hại mới này. Mới đây, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật đã thông báo kết quả: Tên khoa học của loài “siêu nhân” này là Scutigerella immaculata Newport.
Trên cơ sở đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng bước đầu đưa ra cách phòng trừ “siêu nhân” bằng chế phẩm sinh học: Sử dụng chế phẩm nấm xanh Vimetarzimm 95DP (Metarhizium anisopliae var anisopliae Ma) xử lý đất hoặc phun vào gốc cây ngay sau khi trồng, liều lượng 2kg/1.000m2; sử dụng thuốc Biosun 123 (Paecilomyces + Metarhizium + Beauverie bassiana + Bacillus thuringiensis) rải vào đất trước khi trồng, lượng sử dụng 5kg/1.000m2.
Theo Lâm Đồng online