Điều gì khiến chồng muốn về nhà?
Tôi từng chứng kiến rất nhiều người đàn bà quay quắt khổ sở trong việc giữ chồng, tìm đủ mọi cách để khiến chồng muốn trở về nhà.
Tôi tình cờ đọc được dòng trạng thái trên Facebook của một anh nọ. Anh ấy viết đơn giản thôi, mà tôi nhớ mãi.
Anh viết về việc bận công chuyện nên tối muộn mới về nhà. Khi bước vào, anh thấy hình ảnh vợ đang ngồi kèm con học, và dù vợ đã rất mệt, phải giảng bài nhiều cho con nhưng không hề quát mắng mà vẫn kiên nhẫn thủ thỉ. Với anh, đó là một khung cảnh yêu thích và ấm áp. Cái cảm giác của anh khi kể lại, một người xa lạ như tôi cũng cảm nhận được.
Không ai muốn về một ngôi nhà có người đàn bà mặt nặng mày nhẹ (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Tôi từng chứng kiến rất nhiều người đàn bà quay quắt khổ sở trong việc giữ chồng, tìm đủ mọi cách để khiến chồng muốn trở về nhà. Họ có thể sẽ chạy theo những lớp học giường chiếu để chiều chồng hơn, cố gắng trông quyến rũ hơn, tươm tất chuyện nhà cửa, cơm nước… để biến nhà thành nơi có thể cạnh tranh với bàn nhậu, với những môi trường khác bên ngoài.
Nhưng khi họ đã cố gắng hy sinh rất nhiều mà chồng vẫn về muộn, họ liền gào lên đay nghiến: “Anh không thấy tôi đã cố gắng thế nào à?”.
Một anh bạn của tôi từng bảo: “Sợ nhất là những hôm về muộn mà vợ đã nấu sẵn một bữa cơm ngon và ngồi chờ. Khi đó, ánh mắt vợ mang hình viên đạn và cô ấy có thể chồm lên không khác gì sư tử Hà Đông”.
Anh nói, thà vợ chờ anh là một bát mì tôm và một gương mặt bình yên còn hơn là một mâm cơm mà bị chửi té tát đến mức không thể nuốt. Anh luôn cảm giác khi vợ càng cố gắng để chiều mình, chăm sóc mình để đòi hỏi mình phải đối tốt ngược lại, anh càng thấy e dè, thấy như một gánh nặng. Nhà không còn là nơi thoải mái để anh muốn về.
Thực tế, nếu đặt câu hỏi rằng: “Điều gì khiến anh muốn về nhà nhất?”, không ít người trả lời rằng muốn về nghỉ ngơi, muốn tìm bình yên. Có lẽ, người vợ nào cũng thuộc nằm lòng câu trả lời này. Nhưng cách để thực hiện lại khác xa nhau. Có những người tạo ra một trạng thái bình yên gắng gượng - như vợ của anh bạn tôi với mâm cơm tươm tất - bởi họ không biết được bình yên thực sự là chính khi lòng họ cũng phải cảm thấy bình yên. Có nhiều nỗi sợ và sự tự ti bên trong, nên họ gồng mình lên mong được công nhận, mong sự quan tâm ngược lại.
Chính trạng thái làm mọi việc chỉ hướng tới kỳ vọng, kết quả, mà thiếu sự quan sát, thấu hiểu ấy vô tình lại tạo ra những áp lực khiến đôi bên mệt mỏi. Trong khi đó, sự tự nhiên và thoải mái mới là điều cần được bồi đắp. Người vợ ở đầu bài, dù chị cũng rất vất vả bươn chải, nhưng không hề đay nghiến chồng khi anh về muộn, không trút bực tức lên đầu con. Trong hoàn cảnh ấy, dễ gì một người vợ còn bình tĩnh để dạy con học? Thường thấy là cảnh một bà vợ điên cuồng tra khảo, gọi điện liên tục cho chồng.
Tôi không có ý chê bai hay đánh giá người vợ nào, tôi chỉ muốn nói rằng: Một ngôi nhà cũng giống như một mối quan hệ. Để người đàn ông muốn về nhà, hay muốn ở lại trong mối quan hệ ấy, thực chất người đàn bà không phải học kỹ năng để chiều chồng mà chỉ cần học những điều để bản thân mình tốt lên, để xung quanh mình là một nguồn năng lượng nhẹ nhàng và bình yên. Cảm giác bình yên đôi khi lại là sự quyến rũ tuyệt vời nhất. Vậy nên, có những người đàn bà không nấu cơm, dành thời gian xem phim, đắp mặt nạ khi vắng chồng lại hấp dẫn hơn một người vợ dành cả buổi tối để nấu cơm và sửng cồ khi chồng về muộn.
Hẳn ai cũng biết câu chuyện về người đàn ông trồng một cái cây trước thềm nhà. Mỗi khi về đến cửa, anh sẽ chạm tay vào cái cây ấy và tự nhủ rằng để lại mọi bực bội, phiền muộn sau cánh cửa.
Cuộc sống của gia đình nào cũng sẽ có những mệt mỏi, những mâu thuẫn riêng, nhưng có lẽ nếu biết dừng lại để cho nhau khoảng thở bằng cách chạm vào một cái cây hay bất kỳ “nơi niệm chú” nào trong nhà, chúng ta sẽ cảm thấy dịu dàng hơn. Khi nhà là nơi bình yên, ai cũng muốn về nhà.
Cát Tường
Theo www.phunuonline.com.vn