Điều chưa hay bên lề kỳ thi lớp 10
Kể sao hết lòng cha mẹ thương con. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Cậu con trai trông to cao hơn hẳn so với người mẹ bước ra cổng trường.
- Mẹ: Làm được bài không con? Mẹ nghe đề dễ hả?
- Con: Làm cái gì mà làm, kết quả không xong là tại mẹ!
- Sao vậy con?
- Sáng sao đưa con cây bút gần hết mực, làm con viết được chục phút thì phải thay bút, khác mực không biết có sao không.
- Ủa con nói mẹ đưa 3 cây thì mẹ lấy 3 cây giống nhau mà, sao khác được.
- 3 cây nhưng 1 cây gần hết mực mà cũng lấy, đậm nhạt khác nhau chứ sao. Con nhờ mẹ cái gì cũng không xong.
- Hết thì thay chứ làm sao mẹ biết cây nào hết hay chưa.
… Hai mẹ con cứ đôi co qua lại về chuyện cây bút như thế chừng 15 phút mới kết thúc. Đứa con thì cứ gân giọng lên "kể tội" mẹ, như bao tội lỗi là do mẹ cả, còn người mẹ cứ nhẹ nhàng giải thích như thể đang rất có lỗi với con. Rồi cả hai cùng nặng trĩu mặt lên xe về trong im lặng, còn những người xung quanh chỉ có thể chậc lưỡi thở dài...
Bởi chỉ vì cây bút, cậu học trò quên mất mẹ mình sáng sớm nay phải vì cậu mà dậy thật sớm để lo cho những việc chẳng phải cho bản thân. Cậu ấy quên mất vì lo cho con mà mẹ đã bỏ dở công việc để đến chờ trước cổng trường cả tiếng đồng hồ giữa trưa nắng không sá gì mệt nhọc. Cậu quên mất rằng nếu cậu không làm được bài, cậu không vui thì người mẹ ấy cũng chẳng thể nào ngủ trọn giấc.
Thật ra, nếu có đến các trường học vào những mùa thi mới thấy đây chẳng phải là câu chuyện lạ của riêng ai. Những đứa trẻ tuổi 15 hay 18 đã lớn phổng phao, trẻ khỏe nhưng được cha mẹ cơm bưng nước rót tận nơi, thậm chí đút cơm cho con ăn khi con đang mải mê nhìn vào sách vở. Những người làm cha mẹ còn lấy áo khoác của mình che nắng cho con, lau mặt mũi cho con khi con đổ mồ hôi....
Những chuyện này, thoạt đầu ai cũng sẽ trách con cái như thế là hư, nhưng phải chăng lỗi lớn hơn cả là từ phụ huynh? Câu chuyện cây bút ở trên, lỗi lớn của người mẹ không phải ở chuyện bà lấy nhầm cây bút hết mực mà ở chỗ đã quá nuông chiều, bảo bọc con, đến nỗi dường như “cướp” luôn sự tự lập, tự chịu trách nhiệm với bản thân của con. Để rồi, khi vấp ngã hay khó khăn, đứa con ấy chỉ biết than khóc hoặc đỗ lỗi cho người khác mà quên mất nhìn lại bản thân mình.
Đề văn thi lớp 10 năm nay được cả thảy giáo viên và học sinh khen hay, cách ra đề mới lạ, sáng tạo và đầy tính giáo dục, nhân văn. Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng đề thi này sẽ rèn cho các em rất nhiều kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21 và hướng đến công dân toàn cầu. Các em được tư duy, phản biện và vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, thậm chí cả giáo dục ý thức về trách nhiệm công dân.
Thế nhưng ở một góc nào đó, dường như đề thi mới chỉ hay trên giấy, còn làm sao để cái hay ấy đi vào thực tế được mới là vấn đề đáng suy ngẫm, khi đó cái hay ấy mới thực sự trọn vẹn.
Nguồn PLO