Điểm lạ trong vụ thử bệ phóng tên lửa "siêu lớn" mới nhất của Triều Tiên
Trước đó, ngày 10/9, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng hai vật thể không xác định nghi là tên lửa tầm ngắn về vùng biển phía đông. Cả hai tên lửa được cho là đã bay quãng đường khoảng 330 km với độ cao tối đa là 50-60 km.
Hôm nay (11/9), hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đã lên tiếng khẳng định “Nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát chỉ đạo vụ phóng thử của hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn ngày 10/9”.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ thử vũ khí hôm 10/9. Ảnh: KCNA/ Yonhap |
KCNA cho biết, Chủ tịch Kim Jong-un nói rằng vụ thử mới nhất này là để thẩm tra lại các khía cạnh liên quan đến khả năng chiến đấu của vũ khí, các đặc điểm đường đạn, chức năng quay lại và độ chính xác. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng khẳng định bước còn lại là tiến hành bắn thử “để xác định được tính năng vượt trội, thể hiện được sức mạnh của hệ thống phóng đa nòng”.
Tuy nhiên, điểm lạ là KCNA không đề cập đến việc đây có phải là một vụ thử vũ khí thành công hay không, giống như vụ phóng trước vào ngày 24/8. Khi đó, Bình Nhưỡng khẳng định đã thực hiện “bắn thử thành công hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, mới phát triển”.
Một số chuyên gia nghi ngờ rằng một trong hai “vật thể bay không xác định” có thể không đạt được mục tiêu đã định và đã rơi xuống vùng biển phía đông của Triều Tiên.
Vụ phóng thử hôm 10/9 đánh dấu lần thử vũ khí thứ 10 của Triều Tiên trong năm nay, đồng thời được tiến hành chỉ vài tiếng sau khi Bình Nhưỡng đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân với Washington.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đứng cạnh bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn. Ảnh: KCNA/ Yonhap |
Trước đó, KCNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui cho biết, Triều Tiên sẵn sàng thảo luận toàn diện với Mỹ vào cuối tháng này với thời gian và địa điểm mà hai bên thống nhất.
Bà Choe nhấn mạnh, bài phát biểu hồi tháng 4/2019 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã yêu cầu Mỹ cần dừng ngay “cách làm tính toán” và có cách tiếp cận mới đối với Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng hi vọng Washington sẽ kịp thời đưa ra phương án phù hợp với lợi ích của cả hai bên và Triều Tiên có thể chấp nhận được. Nếu Mỹ tiếp tục lối tư duy cũ và không có cách tiếp cận mới thì các cuộc tiếp xúc giữa hai bên sẽ kết thúc.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên chững lại sau khi ông Trump và ông Kim không thể đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 vừa qua.
Sau khi có cuộc gặp bất ngờ tại biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán cấp độ làm việc, tuy nhiên cho đến nay những cuộc họp này vẫn chưa được tiến hành do căng thẳng leo thang vì các vụ thử vũ khí liên tiếp của Bình Nhưỡng.
Các nhà quan sát nhận định, việc Triều Tiên liên tiếp thử vũ khí là cách để Bình Nhưỡng tăng cường áp lực ngoại giao và khiến Washington phải nhượng bộ khi hai bên nối lại đàm phán hạt nhân.