Dịch tay chân miệng: GĐ Sở Y tế TPHCM kiểm tra đột xuất các bệnh viện
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh kiểm tra phòng điều trị nội trú tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tính đến sáng 5/10, tại khoa Nhiễm đang điều trị 155 ca tay chân miệng, trong đó có 12 ca độ 3, 2 ca độ 4 phải thở máy.
Từ đầu mùa dịch đến nay, tại bệnh viện mới có 1 ca tử vong do tay chân miệng. Để chuẩn bị đối phó với mùa dịch, bệnh viện đã tiến hành tập huấn cho 100% bác sĩ, điều dưỡng đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện máy móc điều trị.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn tập huấn cho bác sĩ chuyên khoa nhi của các bệnh viện quận huyện và bệnh viện các tỉnh khu vực phía Nam để phân luồng điều trị ngay từ tuyến dưới, tránh dồn hết bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên. Hiện tại, các bệnh viện tuyến quận huyện đã có khả năng phát hiện và điều trị bệnh tay chân miệng độ 2A trở xuống.
Tuyên truyền về phòng ngừa bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Trước thông tin bệnh viện sử dụng căng tin cũ làm phòng bệnh, BS Nguyễn Thanh Hùng giải thích, khu căng tin đã được di dời sang địa điểm mới và ngay từ đầu năm, bệnh viện đã chủ động sửa chữa, cải tạo lại khu vực này với đầy đủ chức năng như có phòng làm việc, giường bệnh, khu vệ sinh riêng, đảm bảo đủ điều kiện khám chữa bệnh. Hiện tại, 3 phòng tại đây đang tiếp nhận các bệnh nhi bị tay chân miệng thể nhẹ.
Ngoài tay chân miệng, bệnh viện hiện đang có khoảng 100 ca sốt xuất huyết, 60 ca sởi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca tay chân miệng cũng tăng đột biến trong 2 tuần cuối tháng 9. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 50 ca tay chân miệng, tuy nhiên số ca xuất viện cũng ở con số tương đương. Tính đến sáng 5/10, bệnh viện hiện có 116 ca điều trị nội trú về tay chân miệng, 3 ca mắc độ 4 và đã có 2 trường hợp tử vong.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đang điều trị 50 ca tay chân miệng, dự kiến trong thời gian tới bệnh viện sẽ bố trí thêm một khu mới khoảng 40 giường để tiếp nhận bệnh nhi tay chân miệng.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, mặc dù tổng số ca tay chân miệng, sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn đang ở mức giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng có hiện tượng tăng nhanh trong 2 tuần cuối tháng 9 trở lại đây. Vì vậy, các bệnh viện không được chủ quan.
Ngoài tăng cường truyền thông cho người dân, phát tờ rơi trong các khu dân cư, khu vực trường học, các bệnh viện cần phân loại bệnh ngay từ tuyến dưới để phân tán khối lượng bệnh nhân cho phù hợp, không dồn hết về các bệnh viện tuyến cuối vừa gây quá tải vừa khó khăn trong kiểm soát lây nhiễm.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phải có một khoa dự phòng để có thể tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 quá tải.