"Đi tết" sếp ngân hàng: "Nước nổi bèo nổi"
Đến hẹn lại lên, thời điểm này đang là dịp giới ngân hàng không những bận rộn về công việc chuyên môn mà còn tất bật tranh thủ đến nhà chúc tết sếp. Thực tế này từ lâu đã trở thành một "phong tục" của giới ngân hàng, đặc biệt đối với các ngân hàng trong khối quốc doanh.
Theo lẽ thông thường, sản phẩm quà tết là cái đầu tiên người ta nghĩ đến. Mua cái gì, tặng cái gì là việc mà nhân viên cần phải nghiên cứu tìm hiểu. Cây quất, cành đào, hay giỏ quà, hộp bánh sử dụng phổ biến trong dịp tết là những tặng phẩm được nhân viên sử dụng nhiều nhất.
Cuối năm là dịp nhân viên "nhớ" về sếp. Ảnh minh họa |
Mặc cho cái giá rét lạnh cắt da cắt thịt, dịp cuối tuần anh Phạm Hoàng Huy, nhân viên một ngân hàng lớn của nhà nước vẫn phải phi về vùng Quảng Bá, Nhật Tân để thăm thú tình hình để "đặt hàng" trước. Biết sếp có thú chơi quất đào nên nhiều năm nay anh Huy thường phải đi lùng sục khắp nơi để tìm cho ra một cây thật vừa mắt.
"Người ta cứ quan trọng hóa vấn đề đấy thôi chứ đi chúc tết sếp cũng là một tình cảm thể hiện lòng tri ân của nhân viên với những người đã dìu dắt mình. Ai cũng vậy mình không làm thế sao coi được?" – anh Huy tâm sự.
Biết vậy, nhưng năm nay khi ngân hàng làm ăn khó khăn, đời sống của nhân viên cũng chẳng khá khẩm gì, mức thu nhập giảm đi quá nhiều so với mọi năm. Nghĩ đến khoản "đi sếp" nhiều người vẫn không khỏi ái ngại. Nhiều khi quà cáp mang theo chẳng ai thèm để ý, quan trọng là cái phong bì phong bao trong túi quà nặng nhẹ thế nào.
"Không chỉ riêng gì cuối năm, vào mỗi dịp lễ tết trong năm nhân viên đều đến nhà các sếp cả. Riêng dịp tết Âm lịch thì "nặng" hơn, ít thì dăm triệu, nhiều cũng phải mất hàng chục triệu đồng. Mọi năm trước tiền thưởng tết năm bảy mươi triệu đồng, số tiền chi tiêu đó cũng chẳng thấm tháp gì. Nhưng năm nay ngân hàng khó khăn, kế hoạch thưởng tết vẫn còn mù mờ nên chưa thể biết phải đi thế nào" – nhân viên một ngân hàng giãi bày.
Dù vấn đề hơi tế nhị, nhưng khi đề cập đến chuyện "đi sếp", một số người cũng thẳng thắn cho biết, năm nay họ sẽ áp dụng chiến thuật "nước nổi bèo nổi". Nghĩa là tiền thưởng tết được nhiều thì sẽ "đi" nhiều, ngược lại nếu được thưởng ít thì sẽ phải "đi" ít. Nhưng dù thế nào cũng phải "đi", vì mọi năm nhiệt tình như vậy, đến khi khó khăn lại "quên" sếp thì mất điểm quá.
Tiền nong là một chuyện, cái mà nhiều người ngán ngẩm không kém là chuyện "đụng hàng". "Cuối năm nhà sếp lúc nào cũng đông khách nên thường phải xếp hàng chờ đợi. Người này ra, người kia vào. Toàn người quen đụng mặt, lúc đầu hơi ngượng sau cũng thành quen. Có năm mình phải làm việc và chờ đợi đến nhà sếp tới tận chiều 30 tết mới được về quê. Mệt lắm nhưng còn biết làm sao" – Phương Linh, nhân viên một ngân hàng thuộc khối quốc doanh tâm sự.
Tuy nhiên việc đến nhà sếp vào mỗi dịp lễ tết thường chỉ diễn ra ở khối các ngân hàng nhà nước, còn đối với các NHTMCP thì hầu như không có. Với kinh nghiệm nhiều năm và đã làm việc qua ba ngân hàng, anh Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên VP bank chưa một lần đến nhà sếp vào những dịp lễ tết. Anh quan niệm với: "Với nhân viên thì chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trừ những lúc đau ốm, ma chay hiếu hỉ thì tổ chức đi, còn lễ tết thăm hỏi quà cáp hầu như không có".
Anh Tuấn Thanh, nhân viên tín dụng ngân hàng VP bank thẳng thắn "với các ngân hàng thuốc khối quốc doanh nhân viên thường có thói quen đến nhà sếp vào mỗi dịp cuối năm, còn NHTMCP thì ngược lại sếp phải đến nhà nhân viên. Đơn giản vì nếu sếp không "nịnh", nhân viên không làm việc sẽ không hoàn thành chỉ tiêu. Lúc đó người phải gánh chịu đầu tiên là sếp chứ không phải nhân viên".