ĐH Y dược TP.HCM đuổi học 6 sinh viên giả mạo hồ sơ
Sau khi kiểm tra hồ sơ học sinh diện cử tuyển năm 2014, nhà trường nhận thấy UBND tỉnh Bình Phước có gửi Quyết định số 2125/ QD- UBND ngày 10/10/2014 về việc cử tuyển học sinh đi học ĐH- CĐ năm 2014 và 2 danh sách: danh sách 11 học sinh của UBND tỉnh Bình Phước và danh sách 7 học sinh chỉ đóng dấu treo của UBND tỉnh Bình Phước.
Trường đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Phước để xác minh hồ sơ sinh viên cử tuyển. Qua xác minh, tỉnh Bình Phước đã có văn bản xác nhận hồ sơ lưu của 6 sinh viên này tại tỉnh không trùng khớp với hồ sơ mà nhà trường có được.
PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM đã ký ban hành quyết định số 1230/QĐ-ĐHYD buộc thôi học 6 sinh viên của tỉnh Bình Phước đang theo học tại trường này trong năm học năm 2016-2017 vì không có tên trong danh sách được tỉnh cử đi học.
Các sinh viên bị đuổi học gồm: T. M. C. (sinh năm 1994, ngành y học dự phòng), H. M. Đ. (1996, ngành y đa khoa), P. T. Q. N. (1996, ngành y đa khoa), N. T. H. P. (1996, ngành y học dự phòng), N. T. H. T. (1992, ngành dược học) và V. T. T. (1995, ngành y học cổ truyền).
Đây không phải trường hợp đầu tiên sinh viên cử tuyển của tỉnh Bình Phước bị buộc thôi học do gian lận hồ sơ là người dân tộc thiểu số.
Trước đó, vào ngày 10/11/2016, Trường ĐH Y dược TPHCM cũng đã phát hiện sinh viên Đ.H.H là người Kinh, ở tỉnh Bình Phước không thuộc đối tượng cử tuyển được dự thi và đi học nhưng vẫn có tên trong danh sách. Sinh viên này cũng đã bị buộc thôi học.
Theo quy định của Bộ GDĐT, đối tượng cử tuyển do UBND tỉnh, thành phố lên kế hoạch, là công dân Việt Nam thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có thời gian 3 năm học trung học phổ thông tại trường đóng tại địa phương đó (học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh các lớp tạo nguồn tính theo hộ khẩu thường trú) được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc có thời gian 4 năm học trung học cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử tuyển vào trung cấp; ưu tiên xét cử tuyển đối tượng là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao;
Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số mà dân tộc đó chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thường trú ở khu vực III, II (có thể xét cả đối tượng ở khu vực I trong trường hợp dân tộc thiểu số đó có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi cả nước hoặc việc cử tuyển đối với các đối tượng này ở khu vực III, II không đủ chỉ tiêu được giao) từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh.