Đến năm 2025 sẽ khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn
Các hệ thống thủy lợi liên tỉnh được đầu tư sẽ nhằm mục tiêu điều tiết các nguồn nước để đến năm 2025 sẽ khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
Đánh giá hạn mặn vừa qua ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hạn mặn 2019-2020 là hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay. Trong số liệu quan trắc, thuỷ văn đo được có 3 đặc điểm rất quan trọng.
Hạn mặn đến sớm hơn so với cùng kỳ trong nhiều năm là hơn một tháng (ngay từ cuối tháng 11/2019 đã bắt đầu đã có hạn mặn). Thứ hai là mặn xâm nhập sâu 70 km trong nội địa và rút rất chậm.
Đặc điểm thứ 3 là dự báo đến hết tháng 5 mới có thể giảm hạn mặn. Trong khi hàng năm, khoảng giữa tháng 4 đã hết.
Hạn mặn 2019-2020 là hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay |
Tuy nhiên theo Thứ trưởng, chúng ta chúng ta hoàn toàn chủ động đã dự báo rất đúng và rất sớm. Ngay từ tháng 9/2019 chúng ta đã bắt đầu triển khai các hoạt động để phòng, chống hạn mặn, thiệt hại giảm thiểu mức tốt nhất.
Diện tích lúa bị giảm năng suất từ 30 - 70% khoảng gần 60.000 ha; trong đó có rất ít diện tích bị thiệt hại 100%, cây ăn trái cơ bản không bị ảnh hưởng. Chỉ có 1,7 ha cây ăn trái ở Chợ Lách - Bến Tre có ảnh hưởng nhưng bà con đã chuyển sang cây trồng khác.
Về nước sạch có khoảng 96.000 hộ dân bị thiếu nước do ảnh hưởng hạn mặn nhưng không có hộ dân nào không có nước sạch.
Bà con đã rất chủ động các biện pháp để ứng phó nên dù đời sống có xáo trộn nhưng không quá lớn đến sinh hoạt chung.
Theo Thứ trưởng để thành công, yếu tố đầu tiên là tính chủ động. Biến đổi khí hậu và tính dị thường của thời tiết sẽ càng ngày càng khó dự báo. Vì vậy, nếu chúng ta không chủ động thì chắc chắn sẽ không thể ứng phó. Sự chủ động ở đây, đặc biệt là sự chủ động của người dân, các cấp chính quyền và chủ động trong dự báo, cảnh báo sớm, đúng.
Bài học thứ hai là chúng ta phải kết hợp các giải pháp, kể cả là giải pháp công trình, phi công trình, cả ngắn hạn và dài hạn. Nếu như chỉ lựa chọn giải pháp ngắn hạn mà không dài hạn thì sẽ không bền vững. Các giải pháp công trình mà không tính đến các giải pháp phi công trình thì sẽ không có hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã đưa vào đúng đợt hạn mặn vừa qua nên giảm thiểu rất lớn những vùng ảnh hưởng. Các công trình đã điều tiết mặn-ngọt cho khoảng hơn 300.000 ha lúa. Nếu không các công trình này thì có hàng trăm nghìn ha lúa sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, bị thiệt hại.
Giải pháp về công trình trong dài hạn là phải làm thế nào kiểm soát được mặn –ngọt. Như vậy các công trình đầu tư dài hạn sẽ phải đảm bảo được phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp và đúng với mục tiêu: nước mặn, nước lợ cũng là nguồn tài nguyên chứ không chỉ nước ngọt là tài nguyên.
Bộ Nông nghiệp đang đầu tư là 11 hệ thống công trình thuỷ lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó 5 công trình đã đưa vào sử dụng sớm trước từ 5 - 14 tháng trong đợt hạn mặn này.
Các công trình đang đầu tư sẽ được đẩy mạnh triển khai để khi phát huy hiệu quả đầy đủ có thể điều tiết sản xuất cho khoảng 1 triệu ha lúa và cây ăn trái, cũng như vùng nuôi trồng thuỷ sản. Bởi hiện rất nhiều vùng con tôm là thế mạnh nhưng chỉ nuôi được 1 vụ do mặn cao.
Về trung hạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT đang bàn với các tỉnh để tập trung đầu tư các hệ thống thuỷ lợi liên vùng, mang tính động lực để góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp và đảm bảo khắc phục được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
Giai đoạn I của Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé để điều tiết mặn ngọt cho toàn bộ Hậu Giang và một phần của Kiên Giang và Cà Mau; đồng thời nghiên cứu để chuyển nước ngọt cho tỉnh Cà Mau. Các hệ thống thủy lợi liên tỉnh được đầu tư sẽ nhằm mục tiêu điều tiết các nguồn nước để đến năm 2025 sẽ khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ giải quyết được câu chuyện này.
Để đầu tư, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ chi khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang bàn với một số định chế tài chính nước ngoài như: World Bank, ADB để có một số nguồn vốn vay, đặc biệt là tập trung vào nguồn nước sạch cho Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu là trong vòng hai năm tới giải quyết được câu chuyện thiếu nước sinh hoạt.
Diệu Thùy