Đề xuất xây lại nhà cho người dân vụ động đất Sông Tranh 2
Theo kết luận về kết quả làm việc tại thủy điện Sông Tranh 2, việc chống thấm đã hoàn thành, kết quả đạt yêu cầu. Cụ thể, lưu lượng thấm ổn định ở 3 lít/s, thấp hơn so với yêu cầu thiết kế và lưu lượng thấm tại một số đập thủy điện khác. Cũng theo kết quả này, đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn, ổn định theo thiết kế tại mực nước dâng bình thường là 175m với động đất có gia tốc nền là 150 cm/s2. Thậm chí, mức gia tốc nền đập chịu được còn là 220 cm/s2. Sau trận động đất cường độ 4,7 độ richter ngày 15/11/2012 vừa qua, đập vẫn an toàn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, vấn đề động đất phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá toàn diện về mặt khoa học. Hơn nữa, động đất đã tác động làm nứt nhiều công trình xây dựng lân cận và nhà ở của nhân dân, gây tâm lý lo lắng, hoang ảnh hưởng cuộc sống người dân Bắc Trà My (Quảng Nam). Do đó, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, ông Dũng đề xuất chưa cho tích nước đập thủy điện. Việc tích nước hay không đối với hồ chứa chỉ được thực hiện khi có kết quả đánh giá toàn diện về động đất.
|
Khu vực Sông Tranh 2 thường xuyên xảy ra động đất |
Về phía Bộ Xây dựng, ông Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ có các chính sách phù hợp để hỗ trợ người địa phương trong việc sửa chữa nhà ở, có thể xây dựng lại nhà ở đối với các hộ dân có nhà ở không đảm bảo an toàn khi động đất xảy ra. Các đơn vị thuộc Bộ như Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Viện khoa học công nghệ xây dựng được chỉ đạo tiếp tục thành lập đoàn công tác, phối hợp với địa phương để khảo sát, hướng dẫn sửa chữa, gia cường nhà ở và công trình công cộng trong khu vực để ứng phó với tác động của động đất.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng yêu cầu EVN tiếp tục hoàn thiện lắp đặt, sửa chữa, hiệu chỉnh thiết bị quan trắc công trình theo đề nghị của tư vấn AF- Colenco. EVN cũng được chỉ đạo phối hợp với Viện Vật lý địa cầu sớm hoàn thiện lắp đặt các thiết bị quan trắc động đất. Mặt khác, cơ quan chuyên về điện lực sẽ tập trung hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương sửa chữa nhà hư hỏng, đồng thời thực hiện các chương trình hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng như đã cam kết và một số hạng mục công trình phát sinh theo lộ trình phù hợp như đề nghị của địa phương.
Ông Dũng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Viện Vật lý địa cầu cần nhanh chóng thuê các tổ chức tư vấn nước ngoài để đánh giá toàn diện về động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. 3 đơn vị trên cũng cần sớm kiểm tra số liệu động đất cực đại và đánh giá xu hướng diễn biến của động đất kích thích để có cơ sở quyết định các biện pháp ứng xử đối với công trình thủy điện Sông Tranh 2 và các công trình xây dựng khác trong khu vực chịu ảnh hưởng.
Trước đó, chiều 15/11, một trận động đất có cường độ 4,7 độ richter đã xảy ra tại Bắc Trà My (Quảng Nam) ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 khiến người dân hoang mang lo lắng. Ngay sau đó, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã triệu tập họp để bàn biện pháp ứng phó. Đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng do ông Dũng là Chủ tịch được thành lập. Cùng với một số đơn vị khác như Bộ Công thương, Viện Vật lý địa cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Ban QLDA thủy điện 3, Tư vấn thiết kế (PECC1) và tổng thầu thi công (Tổng công ty xây dựng thủy lợi 4), đoàn đã đến kiểm tra trận động đất nói trên.
Hoàng Anh