Đề xuất vợ sinh con, chồng hưởng 2 tháng lương
Đề xuất vợ sinh con, chồng hưởng 2 tháng lương
Sáng 23/5, các ĐB Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi). Trong đa số các đại biểu (ĐB) tập trung vào các lĩnh vực như thời gian nghỉ thai sản cho lao động và thời gian nghỉ hưu đối với lao động nữ, làm thêm giờ của người lao động...
ĐB Nguyễn Trung Thu (tỉnh Long An) ủng hộ phương án thời gian nghỉ thai sản 6 tháng. Vì thời gian nghỉ như vậy sẽ góp phần đảm bảo lao động của phụ nữ và trẻ em mới sinh. Theo ĐB Trung, việc tăng thời gian nghỉ thai sản là quy định tiến bộ, đảm bảo tính linh hoạt, đề cao lựa chọn với người lao động đối với công việc và cuộc sống của họ.
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng bày tỏ sự đồng tình với báo cáo giải trình của UBTV Quốc hội đối với thời gian lao động nghỉ thai sản được nghỉ 6 tháng. Theo ĐB Vẻ thời gian nghỉ 6 tháng là điều kiện cần thiết để người lao động đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
Ngoài ra ĐB Vẻ còn đề nghị đối với lao động tự do không có lương, không có chế độ lao động, không có trợ cấp thai sản cần được cấp 1 tháng lương cơ bản cho số lao động này.
ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) bày tỏ nhất trí với phương án tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ. ĐB Hòa lý giải, trên thực tế phụ nữ sau khi sinh, khi hết thời gian nghỉ phần lớn đều xin nghỉ thêm một hai tháng. Vì thế thời gian nghỉ 6 tháng là nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.
“Phụ nữ sinh được gọi là vượt cạn, rất nguy hiểm, nếu sơ xảy là mất tính mạng. Vì thế thời gian nghỉ 6 tháng là chính đáng. Nhưng nhiều phụ nữ lo lắng sau khi nghỉ sinh 6 tháng sẽ mất việc, nhưng theo khảo sát mới đây, đa số người sử dụng lao động đều đồng tình với phương án nghỉ 6 tháng và quỹ bảo hiểm cũng đủ chi trả cho thời gian nghỉ thai sản này” – ĐB Hòa nói.
Thống nhất phương án nghỉ thai sản 6 tháng, nhưng ĐB Khá lưu ý lao động hành chính nhẹ nhàng có thể chỉ nghỉ 4 tháng, nhưng phải được sự thỏa thuận giữa hai bên. Ngoài ra ĐB Khá cũng lưu ý lao động ở vùng nông nghiệp nông thôn, họ phải được trợ cấp khi sinh để đảm bảo sự công bằng.
Đối với lĩnh vực làm thêm của người lao động, ĐB Hòa cũng đồng tình phương án làm thêm không quá 4 giờ một ngày, 24 giờ một tuần để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và có thời gian học tập, nâng cao trình độ.
Đồng tình với phương án làm thêm không quá 4 giờ mỗi ngày nhưng theo ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) thì quy định như vậy là chưa đủ.
ĐB Ngô Thị Minh cho rằng khi doanh nghiệp chưa tuyển đủ lao động, từ đó dẫn đến tình trạng phải làm thêm, nhưng thực tế nhiều người lại không được thanh toán tiền làm thêm giờ. Người sử dụng lao động chưa bị chế tài nào quy định. Vì thế, phải bổ sung làm rõ để người sử dụng lao động phải trả lương thỏa đáng cho người lao động làm thêm giờ. Đối với một số chế độ cho lao động nữ, ĐB Minh tỏ ra đồng tình phương án nhiều ĐB nêu, nhưng vẫn chưa đủ.
“Tôi đồng tình phương án UBTV Quốc hội trình trong việc nghỉ thai sản 6 tháng. Nhưng bên cạnh đó chúng ta phải có quy định với người sử dụng lao động, để người lao động không bị mất việc sau khi sinh” – ĐB Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ĐB nữ này còn nêu vấn đề, hiện chúng ta chưa tạo điều kiện cho chồng chăm sóc vợ con trong thời gian nghỉ sinh. Nhiều nước trên thế giới, lao động nam có thể nhận được khoản tiền từ 1 – 2 tháng lương để chăm sóc vợ con mình. Vì thế ngành bảo hiểm của chúng ta cũng cần có quy định để trả lương cho thỏa đáng.
Nguyễn Thị Khá, tỉnh Trà Vinh nhất trí phương án lao động làm thêm không quá 50% thời gian làm việc chính thức. ĐB Khá so sánh sức khỏe con người cũng như cỗ máy, nếu duy tu sẽ khỏe hơn, còn nếu khai thác triệt để sẽ giảm hiệu quả, dễ gây tai nạn, nguy hiểm.
Thống nhất phương án nghỉ thai sản 6 tháng như nhiều ĐB khác, nhưng ĐB Bùi Thị An, (Hà Nội) lại tỏ ra không đồng tình với phương án tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sớm hơn nam 5 năm.
Theo ĐB An, lao động là bình đẳng và nhu cầu chính đáng của mỗi người. Vì thế dù nam hay nữ cũng nên nghỉ như nhau, trừ lao động nặng nhọc, vũ trang, nếu ưu tiên nữ nghỉ hưu sớm thì nên hỗ trợ 5 năm bảo hiểm.
ĐB An lý giải, lao động nữ rất lớn, đào tạo khó khăn và rất tốn kém. Để đạt được trình độ giỏi sẽ rất khó khăn và lãng phí. Việc nghỉ hưu sớm 5 năm sẽ khiến lao động mất đi 2 bậc lương. Mặt khác với mức lương hiện nay người lao động không đủ sinh sống, vì thế sẽ phải đi làm thêm khi nghỉ hưu.
Tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới, sức khỏe cũng bền bỉ hơn vì sao lao động nữ lại phải về sớm hơn 5 tuổi? Xã hội cứ ca ngợi người phụ nữ trong ngày 8/3, hay ngày 20/11 nhưng thực tế lại không suy nghĩ như vậy. Tôi đề nghị không nên phân biệt thời gian nghỉ hưu giữ lao động nữ và nam để đảm bảo sự bình đẳng” – ĐB An kiến nghị.
Nguyễn Dũng