Đề xuất tăng thuế thuốc lá lên 5.000 đồng/bao
Các chuyên gia khuyến cáo: để đạt được mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc cũng như kìm hãm sự tăng sức mua thuốc lá và góp phần tăng thu ngân sách, chính phủ cần bổ sung thuế tuyệt đối đối với thuốc lá ở mức 5000 đồng/bao bên cạnh biểu thuế hiện hành. Khi đó, sẽ có tác động giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 45.3% (2015) xuống 39% (2020) và qua đó giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm trong tương lai.
Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá cao, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc lá. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%. Việt Nam đã và đang gánh chịu gánh nặng bệnh tật và kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá. Năm 2015, tổng số tiền người dân Việt Nam bỏ ra mua thuốc lá lên tới 31 nghìn tỉ đồng (GATS 2015) .
Bên cạnh đó, tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra bao gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim do hút thuốc lá gây ra lên tới hơn 24.000 tỷ đồng, chiếm 0,97% tổng GDP của cả nước vào năm 2011. . Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm tăng giá thuốc lá là một công cụ can thiệp hiệu quả nhằm giảm sức mua thuốc lá và ngăn ngừa bệnh tật, tử vong do thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới, tăng thuế ở mức làm giá thực của thuốc lá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá ở mức 5% ở các nước đang phát triển, và giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đánh giá thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất, đóng góp tới 60% giảm tiêu dùng thuốc lá trong tổng số các giải pháp.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế là “ tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ”, thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 35,6% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đã số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 61,7%) và cách khá xa so với khuyến cáo của WHO (70%). Vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất.
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân” được đăng tải lấy ý kiến lần đầu ngày 18/09/2017 đề xuất:
Từ 1/1/2020: Áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu; 15.000 đồng/điếu xì gà.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1000 đồng theo đề xuất trên có tác động giúp giảm 1.5% tỷ lệ hút thuốc lá và tăng thu cho ngân sách khoảng 3,949 tỷ đồng. Tuy nhiên như vậy mới chỉ giúp đạt ¼ mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020. Mô hình ước tính cho thấy để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần áp dụng mức bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5000 VNĐ/bao thuốc. Khi đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6.3%, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến năm 2020, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc.
Bà Phan Thị Hải, Quỹ PCTHTL, cho biết Bộ Y tế ủng hộ đề xuất tăng thuế TTĐB thuốc lá với phương án bổ sung thuế tuyệt đối của Bộ Tài chính, vì thuế tuyệt đối có tác động lên giá bán một cách chắn chắn hơn, tránh được hiện tượng chuyển giá của nhà sản xuất, giảm khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, giảm các sản phẩm thuốc lá giá siêu rẻ, đem lại tác động đến mục tiêu y tế công cộng tốt hơn, cụ thể giảm tỷ lệ hút thuốc nhiều hơn, hiệu quả cao hơn trong việc ngăn ngừa sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất thuế TTĐB với thuốc lá cần được tăng ít nhất ở mức 5.000 đồng/bao thuốc để có thể giảm được đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến năm 2020.