Đề xuất giao Bộ TT&TT làm đầu mối “một cửa” cấp phép thử nghiệm sản phẩm công nghệ Việt
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung chia sẻ về thực thi chính sách ưu đãi với doanh nghiệp CNTT hoạt động trong khu CNTT tập trung. |
Công viên Phần mềm (CVPM) Quang Trung được thành lập trước khi có Nghị định 154/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khu CNTT (Nghị định 154). Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với không ít khó khăn, từ năm 2013, Lãnh đạo CVPM Quang Trung đã tham gia góp ý xây dựng Nghị định 154 do Bộ TT&TT chủ trì, soạn thảo. Nghị định này được ban hành đã ghi dấu một bước chuyển mới trong quá trình phát triển của khu, từ chỗ không có pháp lý đến việc được pháp lý hóa.
“Với Nghị định 154, CVPM Quang Trung đã có bước chuyển mình lớn, đó là việc thành lập Chuỗi CVPM Quang Trung. Phải nói rằng, nếu không có Nghị định 154, chắc chắn mô hình Chuỗi CVPM Quang Trung không có cơ sở để thành lập. Chuỗi CVPM Quang Trung hiện còn rất non trẻ song chúng tôi hy vọng nó sẽ là tiền đề cho giai đoạn phát triển trong tương lai 5-7 năm tới”, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung chia sẻ tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 154 và 4 năm triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020, định hướng đến 2025” vừa được Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Vụ CNTT-Bộ TT&TT, CVPM Quang Trung không chỉ là khu CNTT tập trung được thành lập đầu tiên mà còn là khu được đánh giá thành công nhất ở Việt Nam, đồng thời cũng được đánh giá cao trong khu vực. Theo số liệu của Vụ CNTT, hiện CVPM Quang Trung có 160 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT và các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 2.600 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2018 của các doanh nghiệp CNTT hoạt động tại CVPM Quang Trung ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2014; trong đó thị trường xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng, với giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt gần 350 triệu USD, tăng 38,7% so với 2017.
Trao đổi tại hội nghị, Giám đốc CVPM Quang Trung cũng cho biết, trong 10 năm đầu hoạt động của CVPM Quang Trung, doanh nghiệp nước ngoài luôn chiếm thế thượng phong, nhưng đến nay, trong tổng số 160 doanh nghiệp hoạt động tại khu, chỉ có 50 doanh nghiệp nước ngoài, còn hơn 100 doanh nghiệp là doanh nghiệp Việt: “Nếu không có Nghị định 154, tôi nghĩ rằng cơ sở để các doanh nghiệp Việt phát triển rất hiếm; mà đa số sẽ chỉ là các doanh nghiệp nước ngoài vào khu để tận dụng chính sách ưu đãi và tận dụng nguồn nhân lực là chủ yếu”.
Ông Hải Long chia sẻ thêm, từ năm 2018 đã diễn ra sự chuyển dịch, thay đổi lớn tại CVPM Quang Trung: mặc dù tên gọi là CVPM nhưng bản chất bên trong đã không còn chỉ là phần mềm, mà gồm nhiều ngành, lĩnh vực công nghệ khác nhau, lõi vẫn là ngành phần mềm nhưng đã gắn thêm với cơ điện tử, truyền thông…
Phản ánh hiện tượng các doanh nghiệp hoạt động tại CVPM Quang Trung giảm dần tỉ trọng xuất khẩu và chuyển dịch thành xây dựng các sản phẩm, giải pháp, ông Long cho hay: “Nghĩa là trước đây, các doanh nghiệp làm outsourcing rất nhiều nhưng xu hướng hiện nay chuyển dịch sang sáng tạo. Vì thế, để phù hợp với xu thế chuyển dịch này, nhà nước cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp có thể tự do sáng tạo”.
Công viên phần mềm Quang Trung là 1 trong 4 khu CNTT tập trung đã được Bộ TT&TT công nhận. Đây cũng là khu CNTT tập trung được đánh giá là thành công nhất tại Việt Nam hiện nay (Ảnh minh họa: Internet) |
Thẳng thắn chỉ rõ CVPM Quang Trung và các doanh nghiệp hoạt động trong khu đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ông Hải Long dẫn chứng, doanh nghiệp muốn bay thử nghiệm 1 chiếc drone (thiết bị bay không người lái – PV) trong khuôn viên CVPM không biết phải xin phép cơ quan nào; kẻ vạch, làn giao thông trong khu để chạy thử xe tự hành thì bị Thanh tra Giao thông nhắc nhở làm sai quy định; doanh nghiệp muốn ứng dụng CNTT vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi, để thử nghiệm công nghệ mới trong việc nhận biết vật nuôi (như lợn) bị bệnh thì lại gặp khó khăn vì không được phép nuôi heo trong khu CVPM; hoặc ngay như CVPM Quang Trung muốn phóng 1 vệ tinh nhỏ ở độ cao chỉ vài trăm mét giúp định vi toàn bộ hình ảnh trong khu để có dữ liệu hình ảnh chỗ nào nước nhiều, chỗ nào đất nhiều… từ đó tạo ra những sản phẩm dịch vụ nhưng cũng không làm được. “Với cơ chế như vậy, rất khó để công nghệ Việt sáng tạo”, đại diện CVPM Quang Trung nhấn mạnh.
Một lần nữa nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 cần phải có sự chuyển đổi về chính sách, đại diện CVPM Quang Trung cho rằng, cần tạo môi trường để các doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội được trải nghiệm, thử nghiệm các sản phẩm sáng tạo mới. Đại diện CVPM Quang Trung đề xuất: “Cần có cơ chế để doanh nghiệp được tự do sáng tạo, tạo môi trường cho các hoạt động thử nghiệm công nghệ. Cơ chế này phải thật nhanh và thật thông thoáng để có thể giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt có điều kiện thúc đẩy hoàn thiện các sản phẩm mẫu”.
Lãnh đạo CVPM Quang Trung cũng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ TT&TT ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết trong việc thử nghiệm các sản phẩm nghiên cứu để làm sao ứng dụng được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Trường hợp chưa triển khai phạm vi rộng, cho phép các khu CNTT tập trung, các công viên phần mềm được ưu tiên thử nghiệm theo cơ chế một cửa.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ giao hẳn cho Bộ TT&TT “một cửa”, tất cả những gì cần xin thì xin Bộ TT&TT, nếu không doanh nghiệp sẽ phải chạy qua nhiều Bộ, ngành… Nếu như vậy, sẽ không cách nào để hoạt động sáng tạo sản phẩm công nghệ Việt có thể phát triển”, lãnh đạo CVPM Quang Trung nêu ý kiến.