Đề xuất giảm thuế thu nhập DN xuống 15-18%
"Phú quý giật lùi"
Tại cuộc tọa đàm "Góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi” tổ chức sáng nay (9/4) tại Hà Nội, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam thẳng thắn, các doanh nghiệp (DN) đang phải chịu mức thuế suất cao. Ngay cả khi Dự thảo Luật sửa đổi đưa ra mức thuế đề xuất là 23% thì cũng vẫn cao hơn một số nước trong khu vực.
Đơn cử, Singapore và Đài Loan có mức thuế suất thuộc vào nhóm thấp nhất 17%; Hồng Kông áp dụng mức thuế suất 16,5% từ năm 2008 đến nay; Thái Lan giảm thuế suất phổ thông xuống mức 20% kể từ 1/1/2013.
Thuế suất giảm mạnh mới khuyến khích được DN "nói thật", tránh tình trạng trốn thuế, lách luật |
Thay vì giảm nhỏ giọt, các Hiệp hội, DN đề xuất thuế TNDN cần giảm ngay xuống 20% để hỗ trợ DN. "Các hiệp hội đã thống nhất việc kiến nghị giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% hoặc ít nhất cũng giảm thêm 1% so với dự thảo và mức thuế suất mới sẽ là 22% nhằm khuyến khích doanh nghiệp tích lũy vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh" – bà Loan nói.
Mạnh tay giảm thuế TNDN cho DN, từ góc nhìn của bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, trong lúc khó khăn hiện tại, thuế suất giảm được thêm dù chỉ 1% cũng giúp DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Ở góc độ người điều hành DN, Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Sơn Hà, ông Lê Vinh Sơn cho rằng sẽ là một bước tiến có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng DN. "Thuế giảm mạnh hơn, DN sẽ có thêm niềm tin và thu giữ lại một khoản thu nhập để tái đầu tư, phát triển" – ông Sơn nói và đề xuất thêm, với các DN nhỏ và vừa thuế suất chỉ nên "đánh" ở mức 18%.
Trong khi đó, theo bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, đối với những ngành đặc thù như dệt may, thậm chí thuế suất còn phải thấp hơn nữa. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất nên có một cơ chế riêng để khuyến khích doanh nghiệp tăng thu nhập cho người lao động, ở mức 10-15%.
Thẳng thắn hơn, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thuế giảm mạnh mới khuyến khích DN "nói thật". Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng DN bằng cách này cách khác trốn thuế, ngân sách thất thu, nhưng thử hỏi khi sức mua cạn kiệt, kinh tế khó khăn, thuế cao... thì buộc DN phải tìm cách này cách khác lách thuế.
Ví như một siêu thị thành viên của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, diện tích kinh doanh chỉ 750m2, nhưng mỗi năm tổng số thuế phải đóng lên tới 12 tỷ đồng. Mức chiết khấu trong DN phân phối bán lẻ không cao, cộng thêm tới 70% DN phải đi vay vốn ngân hàng để hoạt động, thử hỏi thuế cao như vậy thì DN nào trụ nổi.
"Kinh nghiệm của Hồng Kông là thuế đánh thấp thì Nhà nước thu càng được nhiều. Chính sách khôn ngoan nhất là phải dung dưỡng DN, dung dưỡng nguồn thu và khoan sức dân. Một chính sách không để DN nói thật thì chính sách đó thất bại" - ông Phú nói.
Lo ngân sách "hụt hơi"
Không đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội ông Nguyễn Đức Kiên lại cho rằng mức giảm thuế suất từ 25% xuống 23% như Dự thảo sửa đổi là hợp lý. Lý giải cho việc chỉ giảm tiếp 2% thuế suất, theo ông Kiên, mức thuế suất hiện tại các DN phải đóng là 25%, nhưng thực đóng dao động 17-18% do một số chính sách ưu đãi dành cho DN đang được áp dụng. "Mức thuế thực đóng thấp như vậy, lý gì lại nói nên tiếp tục hạ xuống 20%?" – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đặt câu hỏi.
Dẫn con số của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hữu Quang – Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho biết, nếu cứ giảm thuế suất phổ thông 1% thì ngân sách giảm thu khoảng 6.000 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 12.000 tỷ đồng nếu suất thuế TNDN còn 23% từ năm 2013. Tính cả việc áp thuế 20% đối với DN nhỏ và vừa thì ngân sách giảm thêm hơn 2.000 tỷ đồng nữa. Năm 2013 cũng là thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực, tính chung tác động của 2 sắc thuế này đối với ngân sách Nhà nước năm 2013, sẽ giảm thu khoảng 30.000 tỷ đồng.
"Thu chi ngân sách hiện nay đang bất ổn. Mức thu quý I/2013 chỉ đạt 20%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Giảm mức thuế suất xuống 23% hay 20% sẽ phải cân nhắc, thận trọng. Nhà nước cũng muốn giảm thuế nhanh, người làm chính sách biết DN khó, nhưng thực tế nếu giảm quá lấy đâu bù chi?"- ông Quang trăn trở.