Đề xuất cơ chế thí điểm quản lý thuốc lá điện tử còn nhiều tranh cãi
Vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc quản lý thuốc lá điện tử |
Tại hội thảo tham vấn ý kiến liên quan đến chinhs ách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới do Bộ Y tế tổ chức vào sáng 5/3, đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam Nguyễn Tuấn Lâm đã cảnh báo, thuốc lá điện tử thay vì là công cụ cai thuốc như nhiều hãng từng quảng cáo thì lại là công cụ bắt đầu hút thuốc với thanh thiếu niên.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine, gây hại và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá. Một nghiên cứu tổng hợp cho thấy người trẻ tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ sau đó dùng thuốc lá thông thường và thành nghiện tăng gần gấp 3,6 lần.
“Thuốc lá điện tử thay vì là công cụ cai thuốc thì lại là công cụ bắt đầu hút thuốc với thanh thiếu niên. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nó không có tác dụng giúp cai thuốc. Hiện nay cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử có tỷ lệ bỏ thuốc thấp hơn”, Ths Lâm nói.
Bên cạnh đó, nhiều chất độc, chất gây ung thư khác cũng được tìm thấy trong dung dịch và khói thuốc lá điện tử, gây hại cho cả người hút và người xung quanh. Trong đó phải kể đến như formaldehyde, nitrosamines, acetaldehyde, vòng benzen…
Theo ông Lâm đây là cơ sở để cấm hút thốc lá điện tử ở môi trường trong nhà như thuốc lá thông thường. Bên cạnh đó, chuyên gia WHO cũng cảnh báo về xu thế trộn hương vị, thậm chí cả ma túy trong các dung dịch thuốc lá điện tử.
“Nếu chúng ta không quản lý tốt sẽ báo động tình trạng tăng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong lớp trẻ, hoc sinh, nguy cơ giống như nhiều nước. Đây là thách thức đặt ra với nhà quản lý”, ông Lâm nói.
Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng tại Việt Nam của Bộ Công thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ngày 6/2/2020 lại dẫn quan điểm từ WHO về thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Cụ thể, báo cáo này dẫn: Theo sổ tay hướng dẫn về các sản phẩm thuốc lá năm 2018, WHO thừa nhận rằng thuốc lá điện tử và sản phẩm thuốc lá làm nóng là những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới và khác với sản phẩm thuốc lá điếu.
Đối với thuốc lá điện tử, một số nghiên cứu lâm sàng cho rằng số lượng và mức độ các chất độc hại được tạo ra khi sử dựng thuốc lá điện tử trung bình thấp hơn so với khói thuốc lá điếu. Tuy nhiên, WHO cho rằng ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của thuốc lá điện tử vẫn chưa được chứng minh và cần phải nghiên cứu thêm.
Đối với thuốc lá làm nóng, một số nghiên cứu được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá cho rằng có sự giảm đáng kể trong việc hình thành và tiếp xúc với các thành phần gây hại và có khả năng gây hại so với sảm phẩm thuốc lá làm nóng ít gây hại hơn sản phẩm thuốc lá.
Bên cạnh đó, cũng không có bằng chứng cho thấy việc giảm tiếp xúc với các hóa chất này có nghĩa là giảm nguy cơ ở người. Vì vậy,ncác luận chứng khoa học sản phẩm sẽ là yếu tố then chốt để xác định liệu một sản phẩm có mức độ rủi ro thấp hơn so với thuốc lá điếu hay không.
Trước một loạt các dẫn chứng, Bộ Công thương dự kiến xây dựng cơ chế thí điểm khung pháp lý đối với thuốc lá điện tử hệ thống đóng và thuốc lá làm nóng. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến trong 36 tháng.
Trước báo cáo này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang kiến nghị
Bộ Công thương cần rà soát chỉnh sửa lại báo cáo các kết quả nghiên cứu đối với thuốc lá đện tử, thuốc làm nóng theo các góp ý của Bộ Y tế.
Bộ Công thương cũng cần xem xét lại một số nhận định đánh giá chưa đầy đủ cơ sở khoa học còn gây tranh cãi. Bộ này cũng cần bổ sung các nguồn thông tin, bằng chứng chính thống tin cậy về khoa học, không sử dụng nguồn thông tin từ ngành công nghệp thuốc lá, dẫn chiếu các nguồn thông tin nêu trong báo cáo đầy đủ.
“Bộ Công thương cũng cần tổ chức nghiên cứu về các bằng chứng khoa học và thực tiễn còn thiếu như: thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Khả năng và năng lực kỹ thuật để kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm thuốc lá điện tử. Thành phần các chất, hương liệu có trong thuốc lá, quy định kỹ thuật đối với thuốc lá điện tử; tổ chức đánh giá tác động chính sách đầy đủ đối với đề xuất kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng”, bà Trang cho hay.
Với kiến nghị thí điểm, bà Trang cho rằng chỉ xem xét việc thực hiện thí điểm sau khi hoàn thiện tất cả các công cụ pháp lý và điều kiện kỹ thuật để quản lý theo nguyên tắc: Kiểm soát ở mức độ ít nhất là tương tự đối với thuốc lá thông thường; có đầy đủ các quy định pháp luật trước khi thí điểm; tổ chức thí điểm có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan.
“Sau một thời gian có nghiên cứu đánh giá tác động đầy đủ về sức khỏe, xã hội, kinh tế sẽ báo cáo Chính phủ xem xét. Đồng thời việc thí điểm phải được Quốc hội cho phép để đảm bảo đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội’, bà Trang nhấn mạnh.