Đề phòng tai nạn thương tích cho trẻ ngày Tết
Một bệnh nhân bị tai nạn thương tích ở BV Nhi đồng 1. |
PGS – TS Nguyễn Tiến Dũng – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tết là dịp có nhiều tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ. Đặc biệt là những vết thương do dị vật từ đồ chơi, đồ dùng, đồ ăn hay bất cứ vật sắc nhọn nào, kẹp tay.
Bác sĩ Dũng cho biết vài năm trước trẻ bị hóc đồng xu xảy ra rất nhiều vào dịp Tết nhưng vài năm nay tiền xu không được lưu hành nên giảm hơn nhưng cũng có những tai nạn khác thương tâm hơn.
Bé Nguyễn Thiện Th. tại Hà Đông vào dịp nghỉ Tết năm 2014 đã phải đi viện vì không may bị cánh cửa chèn ép mạnh vào tay khiến cháu bé bị lóc da tay. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành điều trị cho cháu bé. Rất may xương của cháu bé chưa bị tổn thương. Các bác sĩ cho biết nếu bị tổn thương xương có thể cháu bé phải tháo bỏ khớp ngón tay.
Trường hợp của bé Cao Ngọc Tiến trú tại Thanh Trì, Hà Nội đã phải nhập viện vào dịp Tết vì bố mẹ dọn nhà, sơ ý làm giá sách bị đổ vào người cháu khiến cháu bị dập gan. Các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức phải điều trị bảo tồn gan cho cháu bé.
Bác sĩ Dũng cho biết để an toàn khi vui chơi, phụ huynh phải thường xuyên giám sát trẻ. Trẻ vui chơi trong nhà phải chọn nơi an toàn. Sử dụng cốc chén bằng nhựa hoặc bằng chất liệu khó vỡ. Các góc cạnh của bàn ghế cần được bọc lại bằng chất liệu mềm. Không cho trẻ dưới 9 tuổi sử dụng giường tầng. Đội mũ cho trẻ khi tham gia giao thông với người lớn.
Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Nhi Đồng 1, từng tiếp nhận một bệnh nhi nữ 14 tuổi bị chấn thương hốc mắt phải do bị bạn đâm bằng bút bi. Khi đến viện, cháu bé bị một dị vật còn nằm sâu trong hốc mắt phải khiến các y bác sĩ hội chẩn rất lo lắng nếu phải bỏ đi một mắt.
Sau khi thăm khám cẩn thận và kỹ lưỡng, ê kíp hội chẩn nhận định dị vật nằm ở thành trong ổ mắt, hướng dị vật có khả năng xuyên vào xoang sàng và thậm chí sàn sọ nhưng chưa ảnh hưởng đến chức năng của mắt: vận nhãn bình thường, thị lực không bị ảnh hưởng.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định chụp CT Scan sọ não và xoang khẩn cho bệnh nhi, kết quả cho thấy dị vật không làm tổn thương nhãn cầu, đầu xa của dị vật chọc vào thành ngoài xoang sàng nhưng không gây tổn thương sàn sọ.
Ê kíp phẫu thuật do BS Trần Châu Thái, Trưởng đơn vị Mắt và BS Bạch Thiên Phương, Khoa Tai Mũi Họng thực hiện đã tiến hành mổ cấp cứu lấy dị vật cho bệnh nhi. Dị vật là đầu của bút bi dài gần 4cm.
Nhiều trường hợp trẻ nô đùa trong những ngày nghỉ Tết đã khiến bé bị gãy tay, gãy chân. Trường hợp của bé Trương Thanh Nhàn trú tại Thái Bình là điển hình. Bé Nhàn nghịch leo lên ghế rồi ngã gập tay xuống. Gia đình đang ngày nghỉ Tết nên chỉ cho bé uống thuốc giảm đau và cho rằng bé chỉ bị bong gân nên đắp thuốc.
Một tuần sau cháu bé vẫn không đỡ, khi đưa lên khoa Chấn thương Bệnh viện Nhi trung ương thì cháu bé bị gãy hai dẻ xương bàn tay.
Bác sĩ Dũng lo lắng không chỉ các tai nạn thương tích mà ngày Tết trẻ còn có nguy cơ bị điện giật. Nhà có trẻ con thì ổ cắm điện thường được đặt trên cao hoặc che chắn kỹ, nhưng trong những ngày cuối năm, do phải kéo lại tủ, kê lại bàn, dọn dẹp nhà cửa, quét vôi, sơn tường… nên những ổ cắm điện này bỗng trở nên lộ thiên và là đối tượng khám phá của trẻ con.
Các dây dây điện sờn tróc vỏ bọc, các dụng cụ điện dù không ở tình trạng đang sử dụng nhưng lại không ngắt điện, các thiết bị điện đang sửa chữa, thay mới… đều tiềm ẩn nguy cơ cho trẻ con.
Đã có trường hợp khi thay bóng đèn bàn thờ Ông Thần Tài - Ông Địa (đặt dưới đất) mà không ngắt điện, trong lúc chưa kịp lắp bóng đèn mới vào thì một cháu bé còn ở tuổi tập đi đã tò mò cầm vào chuôi đèn nên bị điện giật.