Để ngườ vi phạm “tâm phục-khẩu phục”
Thượng tá Phạm Văn Uấn, Trưởng phòng CSGT tỉnh Gia Lai. Ảnh NĐB |
"Cũng dịp Noel cách đây 15 năm về trước, lúc đó tôi còn là cán bộ của Đội, trong quá trình làm nhiệm vụ TTKS trên tuyến QL14 qua địa phận Chư Sê thì phát hiện một thanh niên đang điều khiển xe máy phía sau chở gói hàng buộc chặt, chạy với tốc độ khá nhanh. Bằng con mắt nghiệp vụ, xác định đây là trường hợp cần phải kiểm tra vì có khả nghi tội phạm. Tôi lập tức ra hiệu lệnh dừng xe, người đi xe máy “ngoan ngoãn” từ từ giảm ga dừng lại, anh đưa tay chào theo điều lệnh và đề nghị cho kiểm tra giấy tờ. Anh thanh niên tỏ vẻ chấp hành, thò tay vào túi quần rút chiếc ví ra còn tay kia bất ngờ tung gói ớt bột vào mắt tôi, rồi nhảy lên xe tẩu thoát.
Quyết không để đối tượng thoát, mặc dù bị bột ớt văng vào mắt, tôi vẫn cố gắng phóng xe môtô đặc dụng để bám theo. Cuộc rượt đuổi theo nghi phạm diễn ra trên quảng đường dài gần 15km, khi đến huyện Chư Pả, biết không thể thoát thân được, đối tượng bỏ xe lại chạy trốn vào rừng cà phê. Tôi vẫn tiếp tục nhảy xuống xe đuổi theo và đã bắt được đối tượng đưa về cơ quan xử lý. Qua quá trình đấu tranh khai thác, thanh niên này đã khai nhận đang vận chuyển hàng quốc cấm, tên là Đoàn Văn Ngoi (28 tuổi, trú tại Kon Tum) đi từ cửa khẩu Bờ Y về" - Thượng tá Uấn kể.
Thượng tá Phạm Văn Uấn cho biết: Xử lý người vi phạm thì không khó mà để làm sao cho người vi phạm “tâm phục-khẩu phục” thì không phải là dễ, bởi đa số người tham gia giao thông có trình độ không đồng đều, nhất là người đồng bào dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên. Với kinh nghiệm nhiều năm làm Đội trưởng đội TTKS 2.19, anh đã từng gặp rất nhiều trường hợp vi phạm TT ATGT và TT ANXH với đủ các thành phần, và với các kinh nghiệm đúc rút từ xử lý vi phạm của anh đã được áp dụng chỉ đạo cho CBCS thực hiện.
Với đặc thù người vi phạm đa số là đồng bào thiểu số, anh đều chỉ đạo các chiến sĩ CSGT đưa ra các dụng cụ trực quan thể hiện rõ vi phạm một cách dễ hiểu nhất để người dân dễ nhận biết và dễ nhớ, hình thức đó chính là cách tuyên truyền mang hiệu ứng cao.
Trong tập thể luôn đoàn kết, thương yêu; trong công việc, anh luôn căn dặn CBCS phải nhớ 6 điều Bác Hồ dạy đối với Công an Nhân dân, vì hàng ngày thường tiếp xúc với nhân dân vi phạm trật tự ATGT là phải luôn luôn kính trọng và lễ phép. Với cương vị là người chỉ huy, trong công việc quản lý CBCS hơn 80 đồng chí, công tác đảm bảo trật tự ATGT anh luôn chú trọng về mặt đạo đức, định hướng cho CBCS không ngừng phấn đấu và sáng tạo trong công tác TTKS, cương quyết khi xử phạt, và nhắc nhở hướng dẫn kỹ lưỡng với những ai vi phạm lần đầu, mỗi CBCS phải tìm cách tuyên truyền, giáo dục cho người dân khi họ vi phạm ATGT, quan tâm hơn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong một lần theo anh và đồng đội làm chuyên đề đo tốc độ ban đêm từ 6 giờ tối đến 12 giờ khuya mới thấy được công việc vất vả của anh em chiến sĩ CSGT. Kinh nghiệm cho thấy, nếu đứng một chỗ để đo tốc độ thì chỉ được vài trường hợp vi phạm vì nhà xe sẽ thông tin cho nhau ngay sau đó. Để đo chính xác những ôtô vi phạm tốc độ, đội phải thường xuyên di chuyển dùng nhiều phương tiện khác nhau nhằm đánh lạc hướng dân lái xe đối phó. Có như vậy mới đạt kết quả cao, răn đe người vi phạm. Đó là đêm 12/8/2013 với gần 46 trường hợp xe ôtô vi phạm tốc độ, mà chính anh là người trực tiếp “cầm súng” đo.
Thượng tá Phạm Văn Uấn quan niệm rằng: Phạt 10 lần vi phạm không bằng 1 lần báo chí tuyên truyền. Do vậy anh luôn hợp tác tuyên truyền cùng báo chí. Trong công việc lãnh đạo anh luôn tận tụy hết mình, nghiêm túc và động viên, hòa đồng cùng anh em trong đơn vị. Chính những yếu tố trên là quyết định thành công của anh.