Đề nghị khẩn cấp bảo tồn quần thể voi Châu Á tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn số 7664 đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp xem xét, phê duyệt dự án "“Khẩn cấp bảo tồn voi châu Á, giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến 2030 ở tỉnh Hà Tĩnh".
Hình ảnh Voi rừng xuất hiện tại Vườn Quốc Gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. |
Cụ thể, VQG Vũ Quang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) có hệ thống động thực vật rất phong phú, đa dạng, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm. Đặc biệt, nơi đây đang là địa bàn sinh sống của voi châu Á.
Hiện nay môi trường sống của loài voi đang bị thu hẹp do việc xây dựng các công trình để phát triển kinh tế - xã hội, tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, việc bảo tồn loài voi là rất cấp thiết.
VQG Vũ Quang đã xây dựng Dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi châu Á giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến 2030 ở tỉnh Hà Tĩnh”. Dự án này nhằm mục đích phát triển quần thể voi hoang dã; khôi phục, bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người; tăng cường hợp tác, thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất của voi, góp phần bảo tồn các quần thể voi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp xem xét, phê duyệt dự án trên để triển khai thực hiện.
Theo Phòng Khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế (VQG Vũ Quang), thông qua các bẫy chụp ảnh tự động, đến thời điểm hiện tại đã phát hiện được tại VQG Vũ Quang có 1 đến 2 đàn voi châu Á với khoảng 4 con, gồm voi mẹ và voi con.
Trước đó, vào cuối năm 2017, người dân sống ở vùng đệm và cán bộ bảo vệ rừng VQG Vũ Quang liên tục phát hiện nhiều dấu chân voi rừng xuất hiện tại khu vực này.
Ban quản lý Vườn quốc gia Vũ Quang đã lập 3 tuyến để điều tra, khảo sát và phát hiện được 3 vị trí có dấu chân và phân voi. Qua việc khảo sát dấu chân, cán bộ vườn quốc gia nhận định có khoảng 3-4 cá thể voi từng xuất hiện ở đây.