ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: Dự thảo Luật báo chí thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận
Chiều nay (4/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án sửa đổi luật báo chí.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về dự án luật này.
Là người đã tiếp xúc với dự thảo Luật báo chí ngay từ đầu đến nay, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đã chia sẻ kỳ vọng và góp ý của mình đối với dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời báo chí (Ảnh Hồng Chuyên) |
Đánh giá về dự án Luật Báo chí sửa đổi, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Dự thảo Luật báo chí sửa đổi lần này rất bám sát bổ sung sửa đổi của Hiến pháp. Con người, quyền tự do ngôn luận và đã thể hiện đầy đủ rõ ràng trong Chương II của dự thảo. Điều này đã tạo nên sự phấn khởi của cử tri khi tôi đi tiếp xúc cử tri, trong thời gian vừa rồi”.
Qua đây, ĐB Nguyễn Thanh Hải cũng bày tỏ kỳ vọng việc sửa đổi luật báo chí, bằng việc tổ chức nhiều hội thảo những người làm báo, những người làm khoa học về báo chí, những nhà nghiên cứu báo chí, Luật Báo chí lần này sẽ tiếp tục tạo ra hành lang pháp lý để báo chí Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối của nhân dân với Đảng với Nhà nước, đồng thời góp phần cùng Đảng, Nhà nước thúc đẩy xã hội phát triển.
Tuy nhiên, để luật hoàn thiện hơn, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cũng gửi đến những góp ý để Dự thảo luật báo chí hoàn thiện hơn.
Theo ĐB Hải, thứ nhất, cần phải loại bỏ sự tồn tại của trang tin tổng hợp.
Bà Hải lý giải, trang tin có một số loại, trong đó loại trang tin đang gây bức xúc, là trang tin điện tử tổng hợp. Trang tin này không có quyền xuất bản, sản xuất tin, chỉ có quyền tổng hợp, từ tin tức, trích dẫn nguồn từ báo khác.
Vì chức năng không sản xuất tin nên thủ tục đăng ký cấp phép rất đơn giản. Tuy nhiên, bạn đọc cũng không nắm rõ đây là trang tin điện tử tổng hợp, việc xin phép khác nhau ở cấp độ nào, mà chỉ nghĩ trang tin điện tử này có địa chỉ website trong khi đó, báo điện tử cũng có địa chỉ như vậy nên dễ dẫn đến nhầm lẫn là khó tránh khỏi.
Thực tế hiện nay, các trang tin điện tử đã làm quá giới hạn về quyền hạn của mình, đặc biệt xảy ra nhiều vụ vi phạm về bản quyền, thậm chí trích dẫn sai và bổ sung thêm những bình luận. Điển hình như Công ty Trí Việt 24 mới đây. Theo bà Hải, cần loại bỏ sự tồn tại của trang tin tổng hợp như thế này trong đời sống thông tin.
Vấn đề tiếp theo, ĐB Nguyễn Thanh Hải muốn thay đổi tại dự thảo Luật báo chí sửa đổi là vấn đề quy chế phỏng vấn. Theo Bà Hải Quy chế phỏng vấn cần phải được đưa vào một số điều luật để thực hiện phỏng vấn và trả lời phỏng vấn được tốt hơn để tránh việc phỏng vấn rồi giật title đưa tin. Nội dung của bài trả lời phỏng vấn không trích dẫn đầy đủ ý kiến của người trả lời.
Việc tổng kết đánh giá về “quy chế phỏng vấn” cần được làm rồi nâng tầm lên đưa vào các điều khoản trong dự thảo luật báo chí sửa đổi.
Điều đại biểu Nguyễn Thanh Hải mong muốn nhất đó là cần phải thể hiện rõ hơn, sâu hơn, quan tâm hơn đến loại hình báo chí điện tử.
“Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là mạng internet, của mạng xã hội, nó ảnh hưởng đến sự tiếp cận của người dân. Tiếp cận theo chiều hướng tốt, theo hướng tích cực rất nhiều, tin bài rất nhanh, hình thức đẹp, mẫu mã đẹp, phong phú. Nhưng có mặt trái, việc tiếp cận nhanh như vậy cũng đồng thời với việc lan truyền nhanh những thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin xấu”- Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ thêm: “Tôi cũng mong muốn với luật báo chí này cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến loại hình báo chí điện tử và tác dụng mặt trái của báo chí điện tử. Để căn cứ vào đó xây dựng hành lang pháp lý để giảm thiểu được những mặt trái của việc phát triển công nghệ, áp dụng vào báo chí điện tử”.