ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Lỗi của Formosa chỉ xử lý hành chính thì chưa đủ!
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Chính phủ đã quyết liệt và bình tĩnh với thái độ rất khôn ngoan, khoa học để tìm ra nguyên nhân.
“Bây giờ đã tìm được lỗi của Formosa nên rất cần phải truy tố chứ không phải cúi đầu nhận lỗi là thôi. Lỗi đó chỉ xử lý hành chính là chưa đủ. Thủ tướng đã nói rồi, cần phải xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Anh Trí bày tỏ quan điểm.
Theo ông Trí, trong tuy tố thì có một việc cần lưu ý: Formosa thừa biết đã thải ra chất gì, hàm lượng bao nhiêu, độc tố thế nào, tác hại ra sao… nhưng vẫn không nhận lỗi ngay từ đầu, quanh co chối tội. Đây là một tình tiết tăng nặng vì ngoan cố.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Hà Nội. |
“"Đánh người chạy đi, không đánh người chạy lại" chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp biết lỗi và chịu nhận lỗi, có thế thì chúng ta mới nên tha thứ. Đằng này dậy sóng trong nhân dân một thời gian dài với biết bao nỗ lực điều tra mới chịu nhận thì không thể tha thứ được”, ông Trí nói.
Theo ông Trí, việc biển tắm được chưa, cá ăn được chưa cần phải có điều tra kĩ lưỡng về mặt khoa học. Nên có một cơ quan khoa học chính thức chịu trách nhiệm trả lời dựa trên một quá trình điều tra, xét nghiệm liên tục và lâu dài, tùy từng vùng cụ thể chứ không thể nói chung chung.
“Nhà nước cần xem sự cố Formosa là hết sức nghiêm trọng và bài học đau đớn”, ông Trí nhận định.
Liên quan đến sự cố môi trường của Formosa, Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường làm cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Theo Chính phủ, đây là sự cố môi trường biển nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta. Hậu quả, ngoài làm thuỷ hải sản chết, ngư dân mất việc, 40-60% rạn san hô bị phá hủy. Sự cố môi trường cũng tác động xấu đến hoạt động du lịch trong khu vực 4 tỉnh bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ khách hủy tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 đến 50% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra chỉ từ 10 đến 20%. “Những thiệt hại môi trường sẽ được điều tra, đánh giá toàn diện và công bố vào đầu tháng 8/2016”, trích báo cáo của Chính phủ.
Chính phủ đánh giá, khi sự cố xảy ra, các cơ quan và địa phương liên quan chưa nhận thức được tính chất phức tạp của vụ việc nên đã thông tin, báo cáo chưa kịp thời. Quá trình đấu tranh để buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm gây sự cố là hết sức khó khăn, phức tạp vì công tác thu thập hồ sơ, chứng cứ đấu tranh pháp lý gặp nhiều trở ngại, mất thời gian.
Tuy nhiên, với sự quyết liệt, các cơ quan đã buộc Formosa phải thừa nhận 53 sai phạm hành chính, trong đó có những hành vi như thay đổi trái phép công nghệ luyện cốc từ công nghệ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang công nghệ dập cốc ướt (dùng nước), không xây lắp bể lọc của Trạm xử lý nước thải sinh hoạt theo cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Về xã hội, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự cố gây tâm lý bức xúc, bất an trong dân, làm giảm lòng tin của người dân. Người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy ở Hà Tĩnh, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường. Sự cố để lại hệ quả bất an trong xã hội, người dân lo lắng về việc mất sinh kế, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm hải sản. Nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội cũng tiềm ẩn.
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm đối với những thiếu sót của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thủ tướng cũng đã giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý nếu phát hiện có thiếu sót, dẫn đến vi phạm.
Theo Chính phủ, sự cố môi trường này là bài học để nhìn nhận, xem xét đầy đủ, toàn diện hơn về hoạt động thu hút đầu tư FDI trong thời gian vừa qua, nhất là với các dự án có nguồn xả thải lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra sự cố.