Đầu xuân đến thăm đền thờ Vua Đinh – Vua Lê
Cũng như các di tích khác thuộc cố đô Hoa Lư, đền Vua Đinh – Vua Lê nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận năm 2014.
Đền vua Đinh được xây dựng theo kiểu đăng đối trên trục thần đạo. Bắt đầu từ hồ bán nguyệt và kết thúc ở Chính cung. Hồ bán nguyệt là một hồ nước xây dựng theo kiểu kiến trúc cung đình xưa.
Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá chung quanh chạm nổi. Hai bên sập rồng có hai con rồng chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối.
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư của sử gia Lê Văn Hưu, Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, người ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, con của Thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ. Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp yên các sứ quân tự lập nên đế, ở ngôi 12 năm (968 – 979). Vào tuổi nhi đồng, Đinh Bộ Lĩnh thường cùng chúng bạn chăn trâu ngoài đồng, bọn trẻ tự thấy kiến thức không bằng vua nên suy tôn làm trưởng, phàm khi chơi đùa thường bắt chúng bạn khoanh tay làm kiệu để rước và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử.
Cũng theo Đại Việt sử ký, Tiên Hoàng có tài năng, sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà 12 sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ…
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, cố đô Hoa Lư phía Đông Nam giáp biển, phía Tây Bắc dựa núi địa hình một nửa hiểm trở và một nửa bằng phẳng, phía Nam đi vào Thanh Hóa thì có núi Tam Điệp, con đường đi lại phải qua, thật là cổ họng giữa Nam Bắc.
Nơi thờ Quốc phụ, Quốc mẫu Vua Đinh Tiên Hoàng.
Trong nhà trưng bày di tích khảo cổ học, nền móng cung điện thời kỳ Đinh – Tiền Lê, thể kỷ thứ X, các nhà khảo cổ học đã tìm ra những viên gạch có dòng chữ “Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên” và gạch “Giang Tây Quân”
Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Để lên được lăng mộ, du khách leo qua 265 bậc thang bằng đá.
Lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng có thiết kế đơn giản, hai con rồng chầu cũng được đắp bằng xi măng, chứ không trạm trổ trên đá như những họa tiết rồng trong đền.
Từ trên đỉnh núi Mã Yên có thể nhìn bao quát toàn bộ khu di tích cố đô Hoa Lư, trong đó có đền Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) phía bên trái đền Vua Đinh.
Về kiến trúc, đền Vua Lê được xây dựng theo lối kiến trúc tổng thể giống với đền Vua Đinh.
Ngay cả cách bài trí cũng tương tự.
Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn. Trong cuộc đời 64 năm của Lê Hoàn (941-1005) có tới 37 năm gắn bó với kinh đô Hoa Lư, kể từ khi xây dựng kinh đô Hoa Lư (968-1005) và 34 năm kể từ khi Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân cho đến khi mất (971-1005). Trong 25 năm làm vua ở kinh đô Hoa Lư (980-1005), Lê Hoàn có hai công lớn là "kháng Tống" năm 981 và "bình Chiêm" năm 982.
Tương truyền, đền được xây dựng trên nền cung điện của kinh đô Hoa Lư. Theo truyền thuyết, sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (Hà Nội) nhân dân ta đã xây dựng đền vua Lê Đại Hành.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết từ thời Lê Sơ trở về trước, nhân dân làm đền thờ, đặt tượng cả ba vị Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga cùng ngồi. Như vậy có thể hiểu là tượng ba vị trong một ngôi đền. Về sau người ta mới chia thành hai đền là đền Thượng và đền Hạ.
Bên trái tượng Lê Đại Hành là Thái hậu Dương Vân Nga, bà là nhân vật đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam khi là hoàng hậu của hai đời vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê.
Trong khi đó, bên phải của tượng Lê Đại Hành là Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh, là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê. Ông trị vì 4 năm từ 1005 – 1009. Cái chết bí ẩn của ông ở tuổi 24 đã dẫn đến việc chấm dứt triều đại Tiền Lê, quyền lực rơi vào tay nhà Lý.