Đầu tư trăm tỷ cho lò mổ, Hà Nội vẫn phải ăn thịt từ lò chui
Đầu tư trăm tỷ cho lò mổ, Hà Nội vẫn phải ăn thịt từ lò chui
Thông tin này được đưa ra tại hội nghị về kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm khu vực phía Bắc diễn ra hôm qua (25/7) do Bộ NN-PTNT tổ chức.
Theo báo cáo của Cục Thú y, cả nước hiện có 28.285 điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong đó 12 tỉnh trọng điểm phía Bắc có 11.485 điểm giết mổ nhưng chỉ 929 cơ sở, điểm giết mổ được cơ quan thú y kiểm soát.
Ngay tại Hà Nội, nhiều dây chuyền giết mổ hiện đại mới đầu tư hàng trăm tỷ đồng hiện đều “đắp chiếu”, người tiêu dùng vẫn thường phải sử dụng thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh an toàn. Trong đó, có 3 cơ sở giết mổ heo với dây chuyền giết mổ công nghiệp công suất từ 400-1.000 con/ngày nhưng chỉ hoạt động cầm chừng 20-30 con/ngày.
Hiện vẫn còn nhiều điểm giết mổ không được kiểm soát ở các tỉnh miền Bắc - (Ảnh minh họa) |
Hiện nay, cả nước mới chỉ có 36 tỉnh thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm, 21 tỉnh thành đang xây dựng đề án quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và 6 tỉnh chưa thực hiện việc quy hoạch bao gồm Yên Bái, Nam Định, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang.
Đối với 12 tỉnh trọng điểm phía Bắc, hầu hết việc xây dựng quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều được UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT lập đề án, chỉ có duy nhất TP Hà Nội là công tác này được giao cho Sở Công thương.
Đến nay, trong 12 tỉnh trọng điểm, còn 2 tỉnh là Nam Định, Bắc Giang chưa khởi động thực hiện xây dựng dự án quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 5 tỉnh thành phố đang xây dựng dự án quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Bình. TP Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch tổng thể cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng đã xây dựng và đưa vào hoạt động được 5 cơ sở giết mổ nằm trong dự kiến quy hoạch.
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, so với khu vực phía Nam, các tỉnh miền Bắc còn lỏng lẻo trong việc kiểm soát giết mổ cũng như quá trình vận chuyển gia súc, gia cầm, các cấp chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt, thậm chí nhiều nơi bỏ ngõ tạo điều kiện cho tư thương lợi dụng để giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh, làm lây lan dịch bệnh động vật, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều địa phương không quy hoạch, xây dựng hệ thống giết mổ tập trung, hoặc xây dựng xong không hoạt động được; chưa có chế tài xử lý nghiêm việc buôn bán gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm chưa qua kiểm dịch thú y, không cương quyết và triệt để chỉ đạo các Ban, ngành có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, giết mổ gia súc, gia cầm là một trong những vấn đề mà Bộ đặc biệt quan tâm. Qua kiểm tra tại các tỉnh về an toàn thực phẩm, dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế trong giết mổ gia súc gia cầm. nhiều tỉnh thực hiện chưa nghiêm về kiểm soát giết mổ, quản lý dịch bệnh...
Thứ trưởng đề nghị các tỉnh phía Bắc cần nghiêm túc đề xuất các giải pháp để thay đổi thực trạng này trong thời gian tới, nếu cần cơ chế đặc thù hay giải pháp đặc biệt gì để thay đổi thì các địa phương đề xuất để Bộ NN-PTNT hỗ trợ, triển khai thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện trước 31/12 tới.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần phải mạnh tay xóa sổ các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ và đẩy mạnh phát triển các cơ sở giết mổ tập trung, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để làm được việc này, các cấp chính quyền cơ sở đóng vai trò quyết định.
LAN ANH