Dâu mới người Hà thành "sốc" vì phải mang mấy chục cân đường, mì chính đi chúc Tết họ hàng
Tôi được xem là gái Hà thành về quê lấy chồng. Gia đình chồng tôi ở khu vực giáp ranh thành phố Thái Bình nhưng họ hàng hầu như đều ở quê cả.
Năm đầu tiên kết hôn, tôi về quê chồng ăn Tết và thực sự tôi đã đi đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhà chồng tôi có 3 anh chị em, chồng tôi là con thứ hai, cuối cùng là cô út.
Gọi là cô út nhưng cô hơn tôi 3 tuổi và lấy chồng ở gần nhà. Thấy chị dâu bỡ ngỡ nên cô út đã truyền cho tôi không ít kinh nghiệm về ngày Tết ở quê chồng.
Đầu tiên, ngày về nhà chồng tôi không hiểu sao mẹ tôi lại mua rất nhiều đường và mì chính, không có kẹo, bánh hay các loại hạt gì cả. Mẹ chồng còn đặt cả mì chính, đường lên bàn thờ thắp hương.
Tôi hỏi chồng thì anh chỉ cười bảo thấy thấy mẹ và làng xóm làm như thế từ lâu nhưng không rõ vì sao.
Em chồng tôi khéo léo giải thích cho tôi đó là do quan niệm của quê từ xa xưa mọi người thường mang lễ Tết đến nhà nhau. Trước đây, mọi người mang bánh kẹo, bánh chưng đến nhưng sau này các thức ấy không thiết thực nên mọi người chuyển sang mừng Tết bằng đường, mì chính và hạt nêm để có thể sử dụng cho cả năm.
Nghe cô út nói xong mà tôi thực sự ngạc nhiên vì phong tục mới lạ này.
Tôi đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác khi về quê ăn Tết. |
Đến sáng mùng 1, chúng tôi bắt đầu quay cuồng đi chúc Tết. Anh em họ hàng cũng tới nhà rất đông. Bố tôi là con trưởng nên các cô, các chú mỗi người mang một mâm cỗ đến cúng các cụ đã tạ thế rồi lại gộp các mâm cỗ lại cùng ăn Tết. Tôi là dâu mới nên phải ra chào hỏi từng người một.
Đến buổi chiều, mẹ tôi sắp cho vợ chồng tôi 6 túi quà. Mỗi túi quà là 1 cân đường, 1 gói mì chính 500 gram. Mẹ nói bây giờ các con đi nhận họ. Tôi chưa hiểu nhận họ là gì thì chồng tôi nói dâu mới, rể mới phải dẫn đi nhận họ ngày Tết.
Hành trình đầu tiên đó là đi nhận họ cô, chú bên nội. Đến nhà ai chúc Tết lại mang theo túi quà đó. Mẹ dặn tôi chỉ để lễ ở đó thôi. Tôi im lặng làm theo và quan sát thấy hầu như nhà nào cũng đầy bàn đường, mì chính. Không hiểu rồi mọi người ăn làm sao hết số đường với mì chính đó nữa.
Tôi nhận được rất nhiều tiền mừng tuổi. Mỗi lần mang gói quà đến tôi lại được mọi người ra mừng tuổi vì tôi là dâu mới. Người nhiều 100 nghìn, người ít 50 nghìn đồng, tôi rất ngại ngùng nhận tiền vì cảm giác như thể mình đang đi bán đường với mì chính vậy.
Trong khi đó chồng tôi cười không ngậm được miệng vì thấy tôi loay hoay, lúng túng giữa đống đường, mì chính, xách đi hết lượt này lại về xách lượt khác.
Ngày mùng 2 Tết, chồng chở tôi về quê của mẹ chồng cách nhà tôi 30km. Mới mùng 2 Tết nhưng người ta đã ra đồng cấy lúa.
Tôi đi nhận họ hết 3 ngày với khoảng 40 nhà và đi đâu cũng túi quà như thế. Mẹ chồng tôi bảo bà đã chuẩn bị đủ cả, thậm chí do bà sợ sót nên còn ghi rõ những nhà nào chúng tôi phải qua.
Sau 3 ngày đi chúc Tết tôi đã mệt nhoài. Mùng 4 Tết vợ chồng tôi lên Hà Nội. Tôi khoe với mẹ đẻ là tôi lần đầu phải đi Tết như thế sau 25 năm đón xuân. Mẹ tôi chỉ cười còn tôi thì không nhớ rõ mình đã đi những nhà ai, ai là cô, ai là chú,....
Thế nhưng sau 3 năm về quê chồng ăn Tết, tôi đã bắt đầu quen dần với anh em họ hàng, đó thực sự là một trải nghiệm làng quê tuyệt vời chứ không đáng sợ như lúc tôi nghĩ ban đầu.
Năm nay, tôi bàn với mẹ chồng để chúng tôi mua quà Tết từ Hà Nội về, bởi vì tôi thực sự ngại với quà Tết là mì chính và đường.
Lần này, mẹ chồng đồng ý và gửi cho tôi danh sách các gia đình, nhìn sơ sơ đã thấy có 20 trọng điểm. Tôi nhẩm tính có phần tốn dăm triệu tiền quà nhưng thực sự vui vẻ vì cảm thấy mình đã là một thành viên quan trọng của một cộng đồng gắn bó với nhau bằng tình nghĩa họ hàng không thể thay thế được.
Phải làm sao khi con khinh khỉnh lúc về quê chúc Tết họ hàng?
Nói nhiều về thái độ của con khi về quê, con không tiếp thu, thay đổi mà còn khùng lên: "Sao bố mẹ cứ bắt con phải sống theo ý người khác? Con không thích chuyện là không thích. Có thế thôi mà cứ cật vấn mãi".
Bùi Ngân Hà (Hà Nội)