Đắt "cắt cổ" như phòng khám tự nguyện BV công
Đắt "cắt cổ" như phòng khám tự nguyện BV công
Gầm giường, hành lang bệnh viện cũng không còn chỗ chen
Phòng khám theo yêu cầu được hiểu là bán công, khi đất đai mặt bằng xây dựng, đội ngũ y bác sĩ làm việc tại các phòng khám là tận dụng nguồn sẵn có từ chính bệnh viện mở phòng khám, còn trang thiết bị khám điều trị được huy động từ các nguồn ngoài ngân sách, có thể là tiền đầu tư của các y bác sỹ tại bệnh viện đó.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tại hầu hết các phòng khám theo yêu cầu với giải pháp “xã hội hóa” đều nhằm mục đích tận thu, phí dịch vụ cao, thậm chí còn cao hơn cả phòng khám tư nhân, bác sỹ tìm đủ hình thức thông qua khám chữa bệnh để thu hồi vốn nhanh vốn đầu tư…
Khảo sát của PV báo điện tử Infonet tại các Phòng khám theo yêu cầu tại một số bệnh viện lớn tại Hà Nội như BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Phụ sản Trung ương… Nhiều bệnh nhân cho biết, họ cảm thấy giá cao, đắt gấp nhiều lần so với khám bảo hiểm. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh nhân đến khám dạ dày nhưng bác sĩ ngoài việc chỉ định nội soi còn cho làm cả xét nghiệm máu, siêu âm… không phải chuyện hiếm.
Khu vực khám bệnh Bệnh viện Nhi trung ương |
Tại Khu điều trị tự nguyện BV Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thị Nhung (Bắc Giang) đưa con đến khám tại phòng khám theo yêu cầu cho biết, tôi không khỏi xót xa khi nhân viên đưa phiếu thanh toán, con tôi mới chỉ khám qua loa bên ngoài, mà đã phải chi trả 680.000 đồng. Tiếp đến là khâu xét nghiệm máu, nước tiểu bác sỹ chỉ tôi ra mua phiếu thì số tiền 2 mẫu xét nghiệm này lên tới 1,62 triệu đồng. Tổng chi phí cho hai lần xét nghiệm với một lần khám sơ bộ là 2.300.000 đồng, chưa kể tiền thuốc men.
Tại đây, với mỗi lần đến khám dịch vụ, bệnh nhân đều phải trả tiền khám từ 580.000 đến 680.000 đồng, đắt hơn khoảng 7 đến 10 lần các khu khám bệnh thông thường khác trong BV, đó là chưa kể các xét nghiệm khác kèm theo.
Anh Phạm Minh Tiến (Bắc Ninh) cho biết, "cháu nhà tôi bị sốt mấy ngày hôm nay, lên đây lại quấy, khóc suốt, tôi quyết định đưa cháu vào khu điều trị tự nguyện, để được khám chữa nhanh hơn… Tuy nhiên, khi đến đây, nộp tiền khám bệnh cho con, tôi không khỏi bàng hoàng. Chỉ với một lần khám sơ bộ của bác sỹ, tôi đã phải nộp 580.000 đồng, cộng với tiền xét nghiệm máu là 865.000 đồng, tổng cộng chi phí khám bệnh là 1.445.000 đồng. Có phát sinh gì bác sỹ sẽ yêu cầu xét nghiệm thêm".
Tại khoa khám bệnh theo yêu cầu ở BV phụ sản Trung ương mức giá được niêm yết là khám thai 200 ngàn đồng/lượt, khám phụ khoa 200 ngàn đồng/lượt, hút thai dưới 12 tuần tuổi giá 700 ngàn đồng, có gây mê 1 triệu đồng/ lần, siêu âm 4 chiều đa thai giá 350 ngàn đồng/lượt…. So với giá dịch vụ tại các phòng khám tư bên ngoài do các bác sĩ BV phụ sản trung ương, BV Phụ sản Hà Nội khám, giá mỗi lần khám thai, khám phụ khoa chỉ từ 100-150.000 đồng/lượt, thì giá tại phòng khám dịch vụ của bệnh viện cao hơn từ 50-100%.
Một bác sĩ công tác ở BV này thừa nhận, nếu bác sĩ góp tiền đầu tư máy siêu âm tại phòng khám dịch vụ thì đương nhiên khi bệnh nhân vào viện, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm để tăng thu. Giá một số dịch vụ được xã hội hóa như chụp CT scan có giá 800.000 đến 1,5 triệu đồng/ lượt, chụp MRI giá dao động từ 1,5 đến 2,7 triệu đồng...
Một bệnh nhân than thở "có bệnh phải đến bệnh viện, nỗi đau vì bệnh tật đã đành, người bệnh phải chịu các khoản phí chồng phí vì các phòng khám dịch vụ tận thu. Ngoài những khoản chi phí bắt buộc là khám, siêu âm, chiếu chụp, xét nghiệm, tiền thuê giường nằm, chi phí thuốc thang… bao nhiêu khoản tiền cộng dồn mới thấy giờ ốm không tiền thì chỉ có chết".
Giá thuê giường phòng tại các Khu điều trị nội trú theo bảng giá dịch vụ ở các bệnh viện cũng cao chót vót. Nhiều BV đang áp mức giá từ 1-1,9 triệu đồng/ngày/phòng. Đặc biệt, với bệnh nhân phẫu thuật hay cấp cứu, nếu sử dụng phòng có 1 giường cho 1 người, giá tiền sẽ là 2 triệu đồng/ngày.
Mặc dù phải chịu những chi phí cao, nhưng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chưa được hưởng các dịch vụ xứng đáng, thậm chí phải móc túi chi trả những khoản chi phí dịch vụ không cần thiết. Dẫu rằng, dịch vụ y tế có những nét đặc thù khác với các dịch vụ xã hội khác, vì thúc bách an toàn tính mạng, sức khỏe không cho bệnh nhân nhiều thời gian để đắn đo lựa chọn.
Bên cạnh đó, áp lực "thu hồi vốn nhanh" dễ dẫn tới hiện tượng phòng khám tự nguyện, khám dịch vụ lạm dụng chỉ định, xét nghiệm quá mức cần thiết để tận thu.
Với đặc thù là "khu khám điều trị tự nguyện", cơ quan chức năng cũng khó có cơ chế quản lý, kiểm soát sự lạm dụng dịch vụ, hậu quả là người bệnh lãnh đủ.
Kỳ sau: Phí dịch vụ "cắt cổ" được Bộ Y tế kiểm soát thế nào?
Nguyễn Hiếu